Những người yêu văn hóa chưa hết hối tiếc về vụ cháy vào tháng 10 vừa qua thiêu rụi ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường được kỳ công bảo tồn trong Không gian văn hóa Mường thì lại thêm một lần nữa xót xa chứng kiến Đền Trung túc vương Lê Lai - Di tích quốc gia đặc biệt (thuộc quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa) bị cháy rụi vào đêm 1/12 vừa qua.

nhalang.jpg
Nhà Lang cuối cùng của người Mường chỉ còn lại bộ khung sau đám cháy ngày 24/10. (Ảnh: Bảo tàng Văn hóa Mường)

Nếu như vụ cháy Nhà Lang cuối cùng của người Mường xảy ra do sự vô ý thức của du khách khiến gần 200 hiện vật kỳ công sưu tập suốt 15 năm qua bị hủy hoại thì vụ cháy Đền Trung túc vương Lê Lai diễn ra cũng do sự bất cẩn của con người khiến  đồ thờ cúng, sắc phong, kiệu cùng nhiều vật dụng cổ trong đền hư hỏng nặng.

Đền Trung túc vương Lê Lai sau vụ hỏa hoạn (Ảnh: Nguyễn Hải)

Còn nhớ đầu năm 2011, Tam bảo chùa Tảo Sách - một ngôi chùa 600 tuổi ở Hà Nội đầu năm 2011 cũng đã bị chìm trong biển lửa, tiêu hủy nhiều tư liệu Hán Nôm và nhiều di vật cổ vô giá.

Đình, đền, chùa là “bảo tàng” sống động nhất của văn hóa quốc gia, là những chứng tích quan trọng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và đời sống văn hoa tinh thần của nhân dân. Các vụ cháy gây những tổn thất nặng nề không chỉ về vật chất mà còn cả những giá trị vô hình không thể đong đếm được bởi hiện vật nguyên bản mãi mãi ra đi và không cách gì lấy lại được.

Các di tích đền chùa là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao do đốt nhiều hương và vàng mã. Tuy nhiên công tác phòng cháy chữa cháy ở đây chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế đã có không ít chùa bị cháy gây thiệt hại về tài sản và tính mạng trong khi nếu được quan tâm đúng mức và phát hiện kịp thời thì đám cháy có thể dập tắt một cách dễ dàng.

Các di tích đền chùa là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao do thắp hương, nến (Ảnh: Kim Anh)

Tại nhiều di tích văn hóa còn phổ biến hiện trạng phương tiện chữa cháy vừa thiếu lại vừa thô sơ, không đúng chủng loại, không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên nên không thể đáp ứng yêu cầu cứu cháy tại chỗ. Nhiều thành viên trong các ban quản lý di tích, sư trụ trì cùng đệ tử, thủ nhang và những người làm công việc trông coi không nắm được cách thức sử dụng các công cụ cứu chữa (nếu có) và cũng không nắm được các phương thức phòng ngừa cháy nổ đúng cách.

Mặc dù thời gian gần đây, công tác phòng cháy chữa cháy nói chung đã được nâng cao nhưng việc thiếu phương tiện phòng cháy chữa cháy, chất lượng không đảm bảo, công tác tập huấn và diễn tập phòng cháy chữa cháy còn qua loa hình thức vẫn đang diễn ra không chỉ ở đền chùa mà còn ở nhiều nơi khác như nhà dân, công sở, nhà máy…

Điều đặc biệt nguy hiểm là gần như toàn bộ các đình, chùa, đền, miếu đều có cửa ra vào rất nhỏ và không có lối thoát nạn. Nhất là vào các dịp của lễ hội, hàng quán và dịch vụ trông giữ xe còn lấn chiếm, chắn hết lối thoát vốn đã rất nhỏ của các di tích này. Năm sắp hết và Tết sắp đến, đã đến lúc công tác phòng cháy chữa cháy cần được rà soát và tăng cường tại các di tích văn hóa để không những bảo tồn và gìn giữ được vốn cổ của cha ông mà còn giúp người dân đi lễ tết được an toàn. /.