“Nhiều phát hiện mới từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã góp phần cập nhật những thành tựu khảo cổ, khẳng định giá trị văn hóa các di tích khảo cổ học, đồng thời có phương án bảo vệ hợp lý” - đó là nhận định của các nhà nghiên cứu tại lễ bế mạc Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 49 do Viện Khảo cổ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức trong hai ngày 25 và 26/9 tại Hà Nội.

Hội nghị thông báo khảo cổ học được chia làm 4 tiểu ban: tiểu ban khảo cổ học đồ đá, đồ kim khí, lịch sử và Chăm Pa - Óc Eo. Trong số hơn 400 bài tham luận, nghiên cứu được giới thiệu tại hội thảo, nổi bật lên những vấn đề như phát hiện về bộ sưu tập công cụ có niên đại từ 130.000 năm - 50 vạn năm tại Gia Lai; khắc đá ở Sơn La và những nghiên cứu giải mã khắc đá; xác định rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn trong quá trình khai quật Khu di tích Điện Kính Thiên.

 

dai1_tyqw.jpg 

Những phát hiện mới thời đại đá

Về khảo cổ học Chăm Pa - Óc Eo, có một phát hiện mới về con đường xuyên Á, từ Tây Á sang đến Nam Trung Bộ của Việt Nam với nhiều hiện vật lạ, khẳng định sự giao lưu văn hóa xuyên suốt trong quá trình lịch sử, có ý nghĩa như một con đường tơ lụa.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, đại diện tiểu ban khảo cổ học Chăm Pa - Óc Eo cho biết: “Chúng tôi rất cảm động khi được nghe tham luận của chị Norico Nashari - vợ nhà khảo cổ học quá cố. Chị trình bày tiếp nghiên cứu của anh Nishimura về hiện vật tàu đắm ở vùng biển Quảng Ngãi. Bên cạnh việc nghiên cứu về kĩ thuật đóng tàu, còn là nghiên cứu về gốm sứ, về văn tự để đưa ra những thông tin rất quý báu về điểm đến của con tàu này ở tận Iran”.

 

Những phát hiện mới khảo cổ học Chăm Pa - Óc Eo

Năm 2014 cũng là năm ghi dấu ấn của ngành khảo cổ học tại Trường Sa. Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: sau khi tiến hành khảo sát ở 4 đảo Phan Vinh, Sơn Ca, Trường Sa lớn và Nam Yết, đoàn khảo cổ học đã phát hiện hiện vật gốm thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, các đồ sành, sứ của các thời đại độc lập, tự chủ của Việt Nam… khẳng định người Việt đã có mặt rất sớm tại Trường Sa. Tuy nhiên, những nghiên cứu này đang trong quá trình đối sánh, tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành.

TS Bùi Văn Liên cho biết: “Những tư liệu đó kết hợp với tư liệu khác như lịch sử văn hóa, ngoại giao, ngay cả những công ước, hiệp ước đều góp tiếng nói vào việc bảo vệ, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa (Khánh Hòa)”.

Trong thời gian tới, Viện Khảo cổ học sẽ đẩy mạnh khảo cổ học dưới nước, tiếp tục khẳng định việc bảo vệ và bảo tồn các giá trị di sản tại Trường Sa./.