Văn học Việt còn khiêm tốn trên đất Nhật
Trong lĩnh vực văn học, tính đến nay mới chỉ có chừng hơn 60 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và in thành sách ở Nhật Bản. Các tác phẩm văn học Việt Nam đến với độc giả Nhật Bản sớm nhất là vào giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2 khi người Nhật có nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam khi đặt chân đến đây.

Có 3 tác phẩm đã được dịch trong giai đoạn này gồm: Truyện Kiều (Nguyễn Du), An Nam thảo thoại (Truyện cổ An Nam, Nguyễn Tiến Lãng biên soạn) và Lòng nhiệt tình của người An Nam (Trịnh Thục Oanh).

img_7207a.jpg
Hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" bằng tiếng Nhật

Sau giai đoạn đó, người Nhật quan tâm đến Việt Nam bởi chiến tranh Việt Nam. Do đó, những tác phẩm văn học được dịch ra tiếng Nhật trong giai đoạn này có chủ đề liên quan đến cuộc chiến như: Trong khói lửa (tập truyện ngắn về Miền nam Việt Nam), Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) hay Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai). Tuy nhiên, vẫn chưa có tác phẩm nào được dịch trực tiếp từ tiếng Việt mà thường thông qua tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

Văn học Việt Nam được dịch trực tiếp từ tiếng Việt khi tác phẩm Truyện Kiều được chuyển ngữ sang tiếng Nhật vào năm 1975. Kể từ đó đến nay, hầu hết các tác phẩm đều được chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Việt như: Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Hòn Đất (Anh Đức), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc)... Chỉ duy nhất có tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh lại được chuyển ngữ từ tiếng Anh. Gần đây nhất có cuốn Hồi kỳ của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình “Gia đình, bạn bè và đất nước” vừa được xuất bản tại Nhật Bản.

Như vậy có thể thấy, văn học Việt Nam mặc dù đã được giới thiệu khá sớm tại Nhật Bản nhưng số lượng vẫn còn khá khiêm tốn.

Nhạc Trịnh nổi tiếng ở Nhật
Còn trong lĩnh vực âm nhạc, tại Nhật Bản, âm nhạc Việt Nam được biết đến từ những năm 70 của thế kỷ trước qua bài hát Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài hát này được phổ biến khá rộng rãi tại Nhật Bản qua tiếng hát của Yoshimi Tendo, một ca sĩ nổi danh ở Nhật Bản. Từ đó đến nay, Diễm Xưa và một vài bài khác của Trịnh Công Sơn như Ngủ đi con, Ca dao Mẹ đã được phát trên các đài phát thanh ở Nhật khá đều đặn.

Các tiết mục ca nhạc Việt Nam tại Lễ hội Việt Nam luôn thu hút khán giả

Năm 1980, ca khúc Diễm Xưa được Đài truyền hình lớn nhất Nhật Bản là NHK chọn làm nhạc phẩm chính cho một bộ phim truyền hình có nội dung về những khác biệt văn hóa trong một gia đình người Nhật có vợ là người Việt Nam. Tháng 7 năm 2004, Diễm Xưa được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giảng dạy của Bộ môn văn hóa Việt Nam. Ngoài các ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, trong những năm gần đây cùng với quá trình giao lưu ngày càng sâu rộng giữa hai nước, âm nhạc Việt Nam đang dần đến với người dân Nhật Bản ngày một nhiều hơn. Trong đó, các loại nhạc cụ truyền thống đặc trưng của Việt Nam như đàn bầu, đàn T’rưng bắt đầu được giới thiệu với công chúng Nhật Bản.

Những nhạc cụ này đã hút hồn một số người Nhật đã từng có thời gian sống ở Việt Nam đến mức khi trở về nước họ đem theo chúng và biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa. Sự ra đời Hội đàn T’rưng Nhật Bản và của ban nhạc Hồn Việt với những nhạc công sử dụng các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam là minh chứng cho điều đó.

Bên cạnh âm nhạc truyền thống, dòng nhạc trẻ của Việt Nam cũng bắt đầu đến với công chúng Nhật Bản thông qua các sự kiện giao lưu văn hóa như Lễ hội Việt Nam. Những cái tên như Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương, Đan Trường đã được những người Nhật Bản yêu Việt Nam biết đến.

Chị Sugiyama, một thành viên trong Ban Tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, chị rất thích các ca khúc Việt Nam bởi có nhiều ca khúc khiến trái tim người nghe rung động. Hàng năm các ca sĩ hàng đầu của Việt Nam đến Nhật Bản thông qua Lễ hội Việt Nam và biểu diễn nhiều ca khúc tuyệt vời khiến khán giả rất phấn khích. Nhờ vậy, âm nhạc Việt Nam sẽ dần được nhiều người Nhật biết đến.

Chị Sugiyama bật mí các bản ballad như “Tình yêu mãi mãi” hay “Anh” do ca sĩ Hồ Quỳnh Hương biểu diễn là các ca khúc mà chị vẫn thường xuyên thưởng thức.

m thực Việt cuốn hút thực khách Nhật

Sẽ vô cùng khiếm khuyết khi đề cập đến văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản lại không nói đến ẩm thực. Ở Việt Nam thường nói đến làn sóng đầu tư từ Nhật Bản. Còn ở Nhật Bản thường nhắc đến làn sóng nhà hàng Việt Nam. Làn sóng thứ nhất xảy ra cách đây hơn 10 năm khi món nem cuốn và món phở được giới thiệu tại Nhật Bản như một món ăn có lợi cho sức khỏe.

Hàng dài trước quầy bán đồ ăn Việt Nam tại Lễ hội Việt Nam

Hiện nay, đang có làn sóng thứ hai với số nhà hàng Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh. Ước tính có khoảng 300 nhà hàng Việt Nam trên toàn Nhật Bản. Ngoài ra, nhiều cửa hàng bán đồ ăn nhanh hay quán cà phê gần đây có thêm thực đơn bánh mì và cà phê của Việt Nam.

Sự phát triển nhanh chóng của các nhà hàng Việt Nam đã khiến ẩm thực Việt Nam trở nên gần gũi. Nếu như trước kia, phở Việt Nam được coi là món ăn đặc biệt,  nay phở đã trở thành thực đơn buổi trưa quen thuộc của giới văn phòng. Có thể nói ẩm thực đã ghi dấu ấn đậm nét tại Nhật Bản như một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam./.