Ngày mai (21/9/1973 - 21/9/2013) - tròn 40 năm kỷ niệm quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. Trong 40 năm qua, quan hệ hai nước đã, đang và ngày càng phát triển.
Nhật Bản là quốc gia hàng đầu trong việc cung cấp ODA cho Việt Nam. Đặc biệt, có những năm tài khóa, Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam tới 40% tổng vốn hỗ trợ ODA của Nhật Bản cho các nhà đối tác phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rất coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Chính vì vậy, ngay sau khi lên nhậm chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong chuyến công du các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Nhật Bản, phóng viên VOV online đã phỏng vấn Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Hideo Suzuki.
PV: Thưa Công sứ, ngài đánh giá như thế nào về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Nhật Bản trong 40 năm qua?
Công sứ Hideo Suzuki:Tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 40 năm qua. Mối quan hệ này đã, đang và sẽ ngày càng phát triển. Về thương mại, tôi có thể khẳng định rằng, quan hệ phát triển rất tốt, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.
Tương lai, mối quan hệ giữa hai nước còn phát triển tốt đẹp hơn, vì chúng ta cùng nằm trong khu vực kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, và khả năng hiện thực hóa của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN vào năm 2015 khi mức thuế suất bằng 0%. Như thế, sẽ tạo nhiều cơ hội, hợp tác thương mại cho hai nước. Chúng tôi lạc quan về quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vừa diễn ra đầu tháng 9/2013 tại Hà Nội |
PV: Thưa ngài Công sứ, 3 nước (Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản) vừa tổ chức các triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Xin ông đánh giá về những cuộc triển lãm này?
Công sứ Hideo Suzuki: Các triển lãm công nghệ cao Nhật Bản gồm: “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 tại Hà Nội”, “Triển lãm Công nghệ cao Nhật Bản 2013”, “Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam 2013” và “Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2013” đã giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận với công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến cũng như tiếp cận các nhà nhập khẩu và lắp ráp đến từ khu vực và thế giới. Đặc biệt, triển lãm là cơ hội tốt để bạn bè của chúng tôi tại Việt Nam có được một cái nhìn bao quát về công nghệ tiên tiến từ 32 công ty Nhật Bản.
Các triển lãm trên đều đã đáp ứng mọi nhu cầu của khách tham dự: công nghệ, kết nối kinh doanh, bí quyết và cơ hội giao thương. Những yếu tố này rất quan trọng cho sự tiến bộ của cả cộng đồng. Trong 3 ngày diễn ra triển lãm đã có 13.614 khách tham quan (theo số liệu của công ty Reed Tradex của Thái Lan, nhà đồng tổ chức cung cấp). Chúng tôi hy vọng khách tham quan sẽ được truyền cảm hứng từ những công nghệ cao và phương thức phục vụ khách hàng của họ tốt hơn.
PV:Vậy, ông đánh giá như thế nào về ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam?
Công sứ Hideo Suzuki:Tôi đánh giá cao ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Đây là ngành có nhiều tiềm năng vì lực lượng lao động tương đối trẻ, thị trường tiêu thụ tốt. Tăng trưởng FDI trong thời gian gần đây không ngừng được tăng, nên số lượng mua hàng về các linh kiện của Việt Nam sẽ gia tăng. Vì vậy, đây là điều kiện thuận lợi cho tương lai cuả ngành phụ trợ tại Việt Nam.
PV:Theo như ông nói ở trên, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có nhiều tiềm năng. Vậy, Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam có những bước đi cụ thể nào để đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay?
Công sứ Hideo Suzuki:Theo tôi, có 2 hướng để Nhật Bản giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Thứ nhất, về phía Chính phủ, trên cơ sở hợp tác giữa hai nước đã lâu đời và thân thiết, chúng ta có thể tăng cường hợp tác để phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cũng như hướng nghiệp cho các lao động của Việt Nam.
Thứ 2, ở góc độ doanh nghiệp với doanh nghiệp, ngày càng có nhiều có doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó, dẫn đến các nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với các sản phẩm linh phụ kiện trong nước ngày càng nhiều. Vì nếu, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mua được các linh phụ kiện Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của Nhật Bản sẽ tốt cho cả hai nước. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ có các cuộc đối thoại với Chính phủ Việt Nam để có các chính sách thu hút, đẩy mạnh nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam.
PV:Vậy, ông có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm trong thu hút vốn FDI vào công nghiệp hỗ trợ?
Công sứ Hideo Suzuki:Ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện. Những doanh nghiệp này thường không có tiềm lực như các doanh nghiệp lớn, do vậy họ phải có những cơ chế chính sách và ưu đãi, làm thế nào để các chính sách đơn giản và minh bạch hóa cho các doanh nghiệp.
Tiếp đến là các giải pháp công cụ về tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành công nghiệp hỗ trợ, đây là điều rất quan trọng. Chúng ta nên có các gói tài chính thực sự đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
PV:Việt Nam cần có những chính sách gì để ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản vào thị trường này?
Công sứ Hideo Suzuki: Theo tôi, Việt Nam cần có một chính sách rõ ràng, để lựa chọn ngành công nghiệp nào phát triển trong tương lai.
Về phía Nhật Bản, chúng tôi đang giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt – Nhật để đưa ra được những lợi thế của Việt Nam, những ngành công nghiệp mà phía Nhật Bản quan tâm để 2 bên có thể làm nền tảng cho sự hợp tác đầu tư trực tiếp và giúp cho các tập đoàn lớn Nhật Bản vào Việt Nam làm ăn.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng nên tăng cường các cuộc đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp cũng như cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề của ngành công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải.
PV:Thưa ông, hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam. Vậy, về phía Nhật Bản có những hỗ trợ nào tạo điều kiện cho họ khi mới sang?
Công sứ Hideo Suzuki:Đúng như bạn nói, vấn đề về gia đình của các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư đóng một vai trò rất quan trọng khi họ đầu tư ra nước ngoài. Vì người ta sẽ quan tâm đến chất lượng, giáo dục, cơ sở vật chất, đời sống tinh thần nhằm đảm bảo cuộc sống của họ.
Chính vì vậy, ở Hà Nội, chúng tôi có trường học bằng tiếng Nhật. Nhiều người Việt Nam học tiếng Nhật, có thể nói được tiếng Nhật và giao tiếp bằng tiếng Nhật thành thạo tạo quan hệ thuận lợi với các nhà đầu tư.
Hiện chúng tôi đang đối thoại với các nhà đầu tư làm thế nào để tăng cường đào tạo tiếng Nhật. Nếu làm được sẽ tạo nên sức hút cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hiện nay.
Công sứ Hideo Suzuki: Nếu làm được những khu công nghiệp của Nhật, sẽ thu hút rất nhiều đầu tư của Nhật. Chẳng hạn như ở Bình Dương, 1 công ty của Nhật đã làm được điều đó nên mật độ đầu tư vào Bình Dương rất cao. Nhiều nơi xây dựng những thành phố sinh thái, sau đó có những tiêu chuẩn cao, có chất lượng cuộc sống cao sẽ thu hút được rất nhiều người Nhật đến đây để kinh doanh. Chúng ta hy vọng ngày càng có nhiều dự án khu công nghiệp như khu đô thị để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng là yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản muốn đến đầu tư tại Việt Nam hơn nữa.
PV:Xin cảm ơn ngài Công sứ và chúc cho mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển!.