Không thả tiền lẻ, không yên tâm?!

Tết Bính Thân 2016 đã qua giai đoạn chuyển giao năm cũ, năm mới, nhưng lại mở ra một mùa xuân mới, một năm mới, một mùa lễ hội mới. Đầu năm thường là thời điểm mọi người dành thời gian đi lễ chùa, cầu sức khỏe, bình an và những điều may mắn cho bản thân và gia đình.

Ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin tại một số điểm đến tâm linh của Hà Nội vào ngày 16/2 (tức ngày 9 Tết) như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… lượng người du xuân, lễ chùa đông đúc hơn bình thường. Do thời gian này, nhiều cơ quan, công ty mới tổ chức khai xuân và tiến hành việc đi lễ chùa đầu năm.

Mặc dù năm nay, tình trạng thả tiền lẻ một cách bừa bãi đã không còn xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, do lượng người đông đúc và một phần do thói quen, nhiều người vẫn để tiền lẻ ở những nơi ngoài hòm công đức.

127141449116321389519121225550487n_1455687725_supo.jpg
Nhiều người vẫn có thói quen rải tiền lẻ ở các ban, bệ ngoài hòm công đức. Ảnh chụp tại phủ Tây Hồ ngày 16/2.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Huệ (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Mình định tiến vào phía hòm công đức để công đức chút lòng thành nhưng người người chen nhau đông quá, mình không vào đến tận nơi được. Thôi thì đành để chút tiền lẻ ở ban thờ bên ngoài này, mong rằng sự tâm linh của mình vẫn sẽ được ghi nhận. Còn nếu vào được tới hòm công đức thì mình sẽ công đức nhiều hơn”.

Còn anh Nguyễn Văn Hào (người Hà Nam, hiện sống và làm việc tại Hà Nội) cũng phân trần: “Tôi là dân làm ăn buôn bán nên đi chùa đầu năm như là một thói quen không thể thiếu, vừa là cảm ơn trời phật phù hộ cho một năm mua may bán đắt, vừa là mong năm mới công việc buôn bán hanh thông, rộn ràng hơn. Theo tâm lý đi chùa, tôi thường đổi tiền lẻ và đặt vào nhiều nơi, các ban bệ trong chùa. Nếu chỗ nào chưa đặt tiền lẻ lên được lại cảm thấy có chút bất an”.

Thói quen rải tiền lẻ khi đi chùa, đi lễ không chỉ có anh Hào hay chị Huệ. Nhiều người cho rằng, đã đến chùa là phải đặt được tiền ở tất cả mọi nơi mới thể hiện lòng thành kính của mình với các bậc thần linh.

Người dân vẫn cho rằng, phải đổi được tiền lẻ đặt rải khắp nơi mới thể hiện được lòng thành kính. Nhưng theo chuyên gia văn hóa thì việc làm đó không nên.

Chỉ cần thả tiền vào hòm công đức

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, GS. Trần Lâm Biền cho rằng, muốn công đức tốt thì không được làm tùy tiện, thiếu khoa học. Nếu làm khi không có kiến thức sẽ chỉ là cách làm cực đoan. Sự áp đặt sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, làm nhòe nhận thức của quần chúng và khoa học. Ngay cả việc cung tiến cái gì, công đức như thế nào cũng cần theo khoa học. Không phải cứ mang cái to lớn, giá trị hay rải tiền lẻ ở khắp nơi đã là tâm linh. “Đừng có đem đời áp đặt cho đạo. Đừng lấy cái tầm thường để phủ đạy lên trên trí tuệ”, vị giáo sư đầu ngành văn hóa nhấn mạnh.

GS. Biền cũng cho rằng việc để hòm công đức ở gian giữa trong các di tích hiện nay là cách làm hết sức tùy tiện. “Gian giữa là gian để đồ thờ. Hòm công đức dứt khoát không phải là đồ thờ”.

Những hình ảnh này sẽ khiến không gian tâm linh trở nên nhem nhuốc.

Bên cạnh đó, việc người dân đi lễ chùa rải tiền lẻ ở khắp nơi là sai nguyên tắc. Cần nhớ rằng, hòm công đức chính là nơi tiếp nhận những tấm lòng của người đời dành cho việc tôn tạo, duy tu các công trình văn hóa, tâm linh. Do đó, với tấm lòng của mình, khi đến các nơi thờ tự, cách văn hóa nhất là chúng ta thả tiền vào hòm công đức. Dù ít dù nhiều nhưng đã là tâm linh là do bản thân mình, không nên so bì chuyện nhiều ít. Còn nếu rải tiền lẻ khắp nơi thì những người có trách nhiệm lại phải mất công đi thu gom tiền lẻ. Như thế là hết sức thiếu văn hóa.

Như vậy, để trả lại không gian tôn nghiêm văn hóa cho các di tích, những điểm đến tâm linh, mỗi người dân cần có ý thức trong hành động nhỏ của riêng mình. Khi đi lễ chùa, theo lời khuyên của chuyên gia văn hóa thì mọi người chỉ nên thả tiền vào hòm công đức và đi vãng cảnh chùa với tấm lòng tâm linh của mình. Chúng ta không nên dùng tiền lẻ chia ra rồi rải khắp các ban bệ, cài lên hoa quả. Như vậy, vừa tốn thời gian, vừa làm mất sự tôn nghiêm nơi cửa phật lại vừa thể hiện mình là người không có văn hóa./.