Bằng việc chấp thuận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Tổng thống Barack Obama được cho là sẽ thiết lập lại chính sách đối ngoại và quốc phòng của mình sau khi ông đã mất lòng tin vào người đứng đầu Lầu Năm Góc trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Động thái này được đưa ra vào thời điểm mà các nhà phân tích suy đoán rằng, Tổng thống Obama sẽ cải tổ đội ngũ an ninh quốc gia sau thất bại tại cuộc bầu kỳ giữa nhiệm kỳ. Phần lớn ý kiến của người dân Mỹ đều cho rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền ông Obama là thiếu quyết đoán.

Trong 2 năm đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông Chuck Hagel, một cựu chiến binh 68 tuổi, đã thường xuyên bị chỉ trích do phong cách làm việc thiếu hiệu quả.

la_ol_obama_fires_hagel_20141124_001_gcfr.jpg Tổng thống Barack Obama và  Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trong buổi họp báo ngày 24/11 (Ảnh Getty)
Ông Hagel được kỳ vọng sẽ giúp Lầu Năm Góc cắt giảm chi tiêu quốc phòng và rút khỏi cuộc chiến Afghanistan, tuy nhiên, thời gian qua, chính quyền ông Obama lại gặp phải hàng loạt các cuộc khủng hoảng quốc tế tại Trung Đông, Ukraine và Tây Phi. Do vậy, Tổng thống Obama cần một người có phong cách điều hành Lầu Năm Góc hiệu quả hơn.

Ông Hagel sẽ tại nhiệm cho đến khi Thượng viện Mỹ thông qua quyết định bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong số các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này, bà Michèle Flournoy, người từng là nhân vật số 3 của Lầu Năm Góc được kỳ vọng sẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bà Flournoy, 53 tuổi nổi tiếng với bài phân tích thất bại của nhiệm vụ Black Hawk Down năm 1993 tại Somalia. Bà cũng là nhân vật thân cận của ứng viên Tổng thống năm 2016 Hillary Clinton.

Các ứng cử viên khác bao gồm ông Robert Work, người phục vụ lực lượng Thủy quân lục chiến 27 năm và ông Jeh Johnson, thư ký Cơ quan An ninh Quốc gia.

Dù là ai, ông Obama chắc chắn sẽ bổ nhiệm một Bộ trưởng Quốc phòng mạnh mẽ và độc lập hơn, một người không giống ông Hagel.

Tân Bộ trưởng Quốc phóng sẽ phải phản đối kịch liệt việc cắt giảm ngân sách quốc phòng (hơn 1.000 tỷ USD trong 10 năm qua) khiến khả năng quân sự Mỹ bị tê liệt trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng bất ổn.

Cuối cùng, sự thay đổi không chỉ tại Lầu Năm Góc mà còn cả bên trong phòng Bầu Dục. Ông Obama sẽ phải kiểm soát được những cuộc khủng hoảng toàn cầu bằng cách thay đổi chính sách đối ngoại một cách mạnh mẽ.

Theo các nhà phân tích, ông Obama có thể thực hiện những chính sách sau đây: Quân đội Mỹ sẽ không rời khỏi Afghanistan vào cuối năm 2016 như dự kiến. Cung cấp vũ khí cho Ukraine cho giải quyết cuộc khủng hoảng miền Đông. Thiết lập vùng cấm bay tại Syria để ngăn chặn quân đội Tổng thống Assad. Đẩy mạnh các cuộc không kích chống IS (hiện chỉ đang bằng 1/10 quy mô của cuộc không kích chống Taliban năm 2001). Đình chỉ các cuộc đàm phán hạt nhân Iran kéo dài hàng năm trời và áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran. Kêu gọi Quốc hội ngừng việc cắt giảm ngân sách và cung cấp đầy đủ nguồn tài chính cho quân đội.

“Sa thải” ông Hagel là bước đi đầu của ông Obama, nhưng quan trọng hơn, Tổng thống Mỹ cần phải cải tổ mạnh mẽ chính sách đối ngoại của mình nhằm khắc phục tình trạng bất ổn như hiện nay./.