Theo các nhà phân tích, vụ tấn công khiến 23 người thiệt mạng không chỉ cho thấy tham vọng mở rộng ảnh hưởng của IS, mà còn đặt nền dân chủ, vốn đã mong manh của Tunisia trước nhiều thách thức. 

tunisia_sckx.jpgNgười dân Tunisia đặt hoa tưởng niệm những người bị thiệt mạng trong vụ tấn công của Í tại Bảo tàng Quốc gia Bardo (Ảnh AFP)

Thủ đô Tunis của Tunisia ngày 18/3 đã bị rung chuyển bởi cuộc khủng bố đẫm máu nhằm vào Bảo tàng quốc gia Bardo, một địa điểm du lịch nổi tiếng. 23 người đã thiệt mạng, trong đó có 20 du khách nước ngoài. 

Vụ tấn công này được coi là thách thức an ninh lớn nhất mà Tunisia phải đối mặt kể từ sau làn sóng biểu tình dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ben Ali hồi năm 2011.  

Trong một thông điệp được ghi âm và đăng tải trên Internet, IS ngày 19/3 tuyên bố hai phần tử vũ trang hạng nặng của nhóm này đã tấn công Bảo tàng Bardo bằng vũ khí tự động và lựu đạn, đồng thời đe dọa sẽ tiến hành thêm các vụ tấn công khác. 

Thủ tướng Tunisia Tunisia Habib Essid cùng ngày cũng lên tiếng thừa nhận, 2 tay súng bị tiêu diệt trong vụ khủng bố ngày 18/3 đều từng tham gia huấn luyện tại một trại thánh chiến ở Libya từ tháng 9/2014. Cảnh sát Tunisia cũng đã bắt giữ 4 đối tượng liên quan trực tiếp tới vụ khủng bố và 5 đối tượng bị tình nghi có liên hệ với các thủ phạm. 

Những thông tin này đưa ra giữa lúc IS đang âm mưu mở rộng ảnh hưởng từ Iraq, Syria sang Libya, Nigeria và hiện là Tunisia. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, vụ tấn công không phải là manh nha, mà là nằm trong môt kế hoạch rõ ràng của IS giáo nhằm làm suy yếu nền dân chủ còn mong manh của Tunisia, nhất là trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với nhiều bất ổn. 

Ngoại trưởng Tunisia Salma Rekik nói: “Những kẻ tấn công đã chọn bảo tàng Bardo và đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bảo tàng Bardo là một nơi của ký ức, của lịch sử và những kẻ tấn công không chấp nhận những điều này, chúng muốn phá hủy những thứ được xem là bản sắc của Tunisia".

Kể từ sau làn sóng biểu tình dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống  Ben Ali hồi năm 2011, Tunisia đã phải chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động của các nhóm cực đoan, nhất là sau vụ ám sát các nhà lãnh đạo chính trị trong nước hồi năm 2013. 

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy khoảng 3.000 công dân Tunisia đã tham gia các nhóm thánh chiến tại Iraq, Syria và Libya, trong đó có IS, càng làm gia tăng quan ngại các tay súng Tunisia ở nước ngoài sẽ trở lại tấn công Tunisia. 

Tuy nhiên, mối đe dọa từ các lực lượng thánh chiến và tình hình bất ổn nói chung chỉ là một phần trong những mối đe dọa mà Tunisia đang phải đối mặt sau 4 năm thực hiện tiến trình chuyển tiếp đầy khó khăn. 

Một vấn đề đau đầu khác của Chính phủ Tunisia là kinh tế. Sau hơn 4 năm, nền kinh tế Tunisia vẫn ngập chìm trong khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 31% ở những thanh niên có bằng cấp, đầu tư thì tuột dốc không phanh và thâm hụt ngân sách tăng lên 2,5 lần kể từ năm 2010. Khi tấn công vào ngành du lịch, một trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, những kẻ khủng bố đã phần nào đẩy Tunisia vào chỗ bất ổn hơn nữa. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vụ tấn công nhằm vào viện Bảo tàng quốc gia Bardo như một hồi chuông thức tỉnh tại Tunisia, buộc nước này phải đoàn kết hơn để đối mặt với những mối nguy cơ. 

Như một thông điệp về tình đoàn kết, ngày 19/3 khoảng 200 người Tunisia đã tập trung bên ngoài bảo tàng Bardo, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân và hô vang khẩu hiệu phản đối chủ nghĩa khủng bố. 

Một người biểu tình nói: “Người dân Tunisia có mặt ở đây hôm nay là muốn cho thấy một Tunisia đoàn kết chống lại các hành vi khủng bố, nhất là sau những gì xảy ra mới đây. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải đoàn kết để đấu tranh với những kẻ cực đoan”. 

Trong khi cộng đồng thế giới vẫn chưa tìm ra được giải pháp tối ưu cho mối đe dọa  từ chủ nghĩa cực đoan, thì việc cần làm lúc này là chính quyền Tunisia phải tăng cường các nỗ lực củng cố tiến trình chuyển tiếp dân chủ, cũng như tính hợp pháp và hiệu quả của các lượng tư pháp và an ninh, tránh mọi âm mưu đưa đất nước về chế độ độc tài nhằm duy trì ổn định lâu dài./.