Kể từ vụ đụng độ với quân đội Ấn Độ tại cao nguyên Đô-klam (Doklam) của Bhutan năm 2017, Trung Quốc đã tăng cường xây cất, cải tạo, tăng cường năng lực răn đe bằng đường không trên dọc đường Kiểm soát Thực tế (LAC) với Ấn Độ trong 3 năm qua. Đây là thông tin trong báo cáo mới đây của Tổ chức Tư vấn An ninh Toàn cầu Stratfor về ý định của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ.
Một báo cáo mới đây của Tổ chức Tư vấn An ninh Toàn cầu Stratfor khẳng định Trung Quốc đã và đang hoàn thành việc xây dựng 13 công trình phục vụ cho máy bay quân sự nằm sát biên giới Ấn Độ trong khoảng thời gian này, trong đó bao gồm 3 căn cứ không quân, 5 trận địa phòng không cố định, 5 sân bay trực thăng. Báo cáo này còn cho biết 4 sân bay trực thăng trong số này được khởi công sau thời điểm tranh chấp biên giới Ấn – Trung bùng phát hồi đầu tháng 5.
Báo cáo có tên gọi "Động lực quân sự vạch ra ý định của Trung Quốc dọc biên giới Ấn Độ" được công bố ngày 22/09 của Stratfor nhận định "cuộc khủng hoảng năm 2017 tại Doklam đã thay đổi các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc". Các công trình này sẽ giúp xây dựng năng lực quân sự tương lai với dự báo rằng các các căng thẳng với Ấn Độ tại khu vực còn kéo dài và không giới hạn trong cuộc đối đầu hiện tại.
Stratfor đồng thời cho rằng, số máy bay chiến đấu Rafale mà Ấn Độ mới nhận từ Pháp chỉ có thể giúp New Delhi phần nào trong cuộc đối đầu với các nguy cơ từ Trung Quốc; và sẽ cần nhiều thời gian để các thiết bị chiến đấu mà Ấn Độ tự sản xuất và đặt mua của nước ngoài thực sự giúp không quân nước này tái xây dựng sức mạnh.
Báo cáo cũng lưu ý cách tiếp cận này tương tự như chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi việc xây dựng các cơ sở quốc phòng thường trực đang hỗ trợ cho các ưu thế quân sự của Trung Quốc. “Với việc áp dụng chiến lược tương tự tại biên giới Ấn Độ, Trung Quốc nhắm tới việc làm nản lòng ý chí kháng cự của Ấn Độ hoặc hành động quân sự trong các tranh chấp biên giới ở tương lai, qua việc phô trương năng lực và cho thấy ý định sẵn sàng đối đầu quân sự”- Báo cáo viết.
Hồi năm 2017, Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc có cuộc đối đầu kéo dài 73 ngày ở cao nguyên Doklam, nơi nằm trên biên giới 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Căng thẳng quân sự chỉ được tháo gỡ sau nhiều vòng đàm phán giữa 2 bên. Cuộc khủng hoảng biên giới hiện tại ở Đông Ladakh giữa Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài từ đầu tháng 5, dẫn tới một vụ va chạm đẫm máu tại thung lũng Galwan đêm 15/6. Đây là lần đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai cường quốc châu Á này kể từ cuộc chiến tranh Ấn – Trung năm 1962./.