Tòa án Hành chính của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26/3 ra lệnh tạm thời lập lại truy cập vào trang Twitter, 5 ngày sau khi Chính phủ cấm mạng xã hội này.

Hôm 25/3, Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm truy cập Twitter, cho rằng Chính phủ nước này đã vi phạm nghĩa vụ đối với một số quyền quốc tế khi cấm trang mạng xã hội này. Chính phủ Mỹ cũng lên án lệnh cấm này là “không thể chấp nhận được” và là “một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận”. 

turkey.jpg
Những người dân ủng hộ Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: AFP)

Lệnh cấm được đưa ra sau khi trên mạng Twitter xuất hiện một số đoạn băng ghi âm liên quan đến bê bối tham nhũng của Chính phủ song bị Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho là âm mưu gây bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ của các thế lực bên ngoài.

Đây không phải là lần đầu tiên phương tiện truyền thông xã hội bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mạng YouTube đã bị chặn ở quốc gia này từ năm 2007-2010 theo lệnh của Tòa án liên quan tới đoạn băng ghi hình bị cho là xúc phạm người sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Erdogan đã đe dọa áp đặt việc kiểm duyệt Internet, bao gồm việc đóng cửa Facebook và YouTube. Ông Erdogan cũng từng chỉ trích Twitter như một “tai họa” vì đã giúp tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không để cho các công ty truyền thông nước ngoài điều khiển quốc gia này. Ngay từ lúc đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã phản bác ý tưởng cấm các mạng xã hội của Thủ tướng Erdogan.

Những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa cho thấy những rạn nứt ngày càng sâu sắc trong quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng cầm quyền Công lý và Phát triển./.