Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông qua dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi nhằm tăng cường sự quản lý của chính phủ đối với  hệ thống tư pháp. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của chính phủ nhằm dập tắt vụ bê bối tham nhũng đang làm chao đảo chính trường nước này.

tho-nhi-ky.jpg
Tranh cãi dẫn tới ẩu đả vì dự luật tư pháp tại phiên họp Quốc hội ở Ankara ngày 15/2 giữa phe đối lập của đảng CHP và các thành viên của đảng cầm quyền AKP (Ảnh: AFP)

Được thông qua với 210 phiếu thuận và 28 phiếu chống, văn kiện cho phép Bộ trưởng Tư pháp mở cuộc điều tra đối với các thành viên của Hội đồng thẩm phán và công tố tối cao, một trong những thể chế tư pháp cao nhất nước có quyền bổ nhiệm các thẩm phán và công tố viên.

Được trình lên Quốc hội hồi đầu năm, trong bối cảnh chính phủ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có do bê bối tham nhũng, dự luật cải cách đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phe đối lập, sự lo ngại của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Những ý kiến phản đối cho rằng, dự luật là nhằm ngăn chặn các cuộc điều tra chống tham nhũng đang đẩy chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong khi Thủ tướng Erdogan cho rằng cuộc điều tra là một âm mưu nhằm bôi nhọ đất nước trước thềm bầu cử.

Trước sức ép từ trong nước và Liên minh châu Âu, Thủ tướng Erdogan đã phải đóng băng một thời gian các điều khoản gây tranh cãi trong dự luật. Tuy nhiên, sau khi chắc chắn sẽ được đa số thông qua tại Quốc hội, ngày 14/2, ông Erdogan đã quyết định thúc đẩy lại việc thông qua văn kiện với một số điều khoản sửa đổi. Để có hiệu lực văn kiện còn phải được trình lên Tổng thống để ký ban hành thành luật./.