Cảnh sát chống bạo động Thái Lan trợ giúp một đồng đội bị thương sau các vụ đụng độ với người biểu tình ngày 18/2 (Ảnh: Reuters) |
Hãng tin APcho biết, theo phán quyết của Tòa án dân sự, một số lệnh do Thủ tướng và Trung tâm chỉ huy an ninh đặc biệt ban hành theo Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp là bất hợp pháp vì đã vi phạm quyền hiến định của người biểu tình. Các mệnh lệnh này bao gồm lệnh cấm các cuộc tụ họp từ 5 người trở lên, cấm vào một tòa nhà nhất định, cũng như việc sử dụng các tuyến đường nhất định bởi những người biểu tình.
Phán quyết của Tòa án cũng cấm chính phủ sử dụng vũ lực đối với người biểu tình.
Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án cũng từ chối yêu cầu của người biểu tình đòi Chính phủ phải dỡ bỏ Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đã ban hành và cho rằng đó là thẩm quyền của ngành hành pháp nhằm thực thi pháp luật.
Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck đã ban hành Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp ở khu vực Bangkok vào ngày 21/1 sau khi những người biểu tình đe dọa sẽ đóng cửa thủ đô bằng cách ngăn chặn các nút giao thông quan trọng và chiếm Văn phòng chính phủ.
Kể từ khi bùng phát các cuộc biểu tình, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã cố gắng tránh xảy ra đụng độ bạo lực có thể dẫn đến việc châm ngòi cho một cuộc đảo chính của quân đội. Cảnh sát đã được lệnh phải kiềm chế và tránh sử dụng vũ lực đối với người biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên, đụng độ dẫn đến chết người đã xảy ra ngày 18/2 khi cảnh sát tiến hành thu hồi những địa điểm người biểu tình chiếm giữ. Theo số liệu từ Trung tâm y tế Erawan, 5 người đã thiệt mạng và gần 70 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ngày 18/2.
Ngày 19/2, hàng ngàn người biểu tình đã bao vây Văn phòng tạm thời của Thủ tướng Yingluck tại vùng ngoại ô phía bắc của Bangkok và tiếp tục yêu cầu Thủ tướng phải từ chức.
Theo AP,những người biểu tình đã yêu cầu các quan chức tại tòa nhà của Bộ Quốc phòng không cho bà Yingluck sử dụng nơi đây làm văn phòng làm việc tạm thời. Những người biểu tình cũng tuyên bố sẽ nhắm đến mục tiêu các doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình bà Yingluck.
"Bất cứ nơi nào bà ấy có mặt, chúng tôi sẽ bám sát bà ta", thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban nói với đám đông". Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh và chúng tôi sẽ tấn công các doanh nghiệp của gia đình Shinawatra cũng như các nguồn vốn của họ".
Trong khi đó, quân đội Thái Lan cho biết, Thủ tướng Yingluck và các Bộ trưởng trong nội các đã ở lại Văn phòng tạm thời nhằm tránh làm căng thẳng thêm tình hình hiện nay.
Trong phán quyết của mình, Tòa án dân sự cho biết, các mệnh lệnh của chính phủ đã "vi phạm và ảnh hưởng đến quyền lợi của những người biểu tình theo Hiến pháp".
Phán quyết này cũng lưu ý rằng, Tòa án Hiến pháp Thái Lan trước đó đã phán quyết rằng, những người biểu tình đã xuống đường một cách hòa bình. Do đó, Thủ tướng Chính phủ "không thể sử dụng vũ lực để đàn áp" người biểu tình.
Hiện vẫn chưa rõ liệu phán quyết trên của Tòa án dân sự Thái Lan có ảnh hưởng đến Lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo biểu tình vì vi phạm Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban hành trước đó hay không./.