Hãng tin BBCdẫn nguồn tin từ Trung tâm y tế khẩn cấp Erawan của Bangkok cho hay, bạo lực nổ ra gần Tượng đài Dân chủ ở trung tâm Bangkok đã làm một sĩ quan cảnh sát và 2 người biểu tình thiệt mạng (trong đó, có 1 người đàn ông 52 tuổi, trường hợp còn lại chưa có thông tin chi tiết).

thailand-protest2-1.jpg
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan trợ giúp một đồng đội bị thương sau các vụ đụng độ với người biểu tình (Ảnh: Reuters)

Cũng theo BBC, ngoài các trường hợp tử vong còn có một số cảnh sát bị thương khi người biểu tình tấn công họ bằng lựu đạn, trong khi đó, cảnh sát đã nổ súng vào những người biểu tình.

Các hình ảnh được phóng viên hiện trường của nhiều hãng thông tấn ghi lại cho thấy, hơi cay đã được sử dụng, tuy nhiên, chưa rõ ai đã bắn hơi cay vào đám đông. Nhà chức trách Thái Lan đã đổ lỗi cho người biểu tình gây ra việc này.

Lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, Paradorn Pattanathabutr nói: “Tôi có thể đảm bảo rằng lực lượng an ninh không sử dụng hơi cay. Họ không được trang bị hơi cay khi  thực hiện nhiệm vụ ngày hôm nay. Những người biểu tình chính là thủ phạm sử dụng hơi cay tấn công lực lượng an ninh”.

Trước đó, hôm 17/2, trung tâm chỉ huy an ninh đặc biệt của Chính phủ Thái Lan đưa ra tuyên bố sẽ bắt đầu tiến hành việc "thu hồi" 5 địa điểm đang bị người biểu tình chiếm đóng bất hợp pháp tại thủ đô Bangkok vào ngày 18/2 – một động thái được cho là để giải quyết tình trạng vi phạm Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp mà Chính phủ ban bố của những người biểu tình.

Tuy nhiên, sáng sớm 18/2, thủ lĩnh lực lượng biểu tình Suthep Thaugsuban đưa ra tuyên bố khẳng định sẽ không rút lui. Reutersdẫn lời ông Suthep nói: “Chúng tôi không đấu tranh để có được quyền lực cho bản thân. Những cải cách mà chúng tôi đang theo đuổi là vì lợi ích cho đất nước và thế hệ tương lai. Kẻ thù duy nhất của người dân là chế độ Thaksin”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của lực lương biểu tình, Akanat Promphan cho hay: “Chúng tôi sẽ không phản ứng bằng vũ lực. Chúng tôi cũng sẽ không rời khỏi Tòa nhà Chính phủ và Bộ Nội vụ”.

Lực lượng biểu tình vẫn đang yêu cầu bà Yingluck từ chức và trao quyền lực cho một chính phủ tạm thời, không qua bầu cử để thực hiện những cải cách để ngăn ngừa tham nhũng và nạn lạm dụng công quỹ, trước khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức./.