Mọi cánh cửa dường như đang đóng lại với Thủ tướng Anh Theresa May, kể cả kế hoạch đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) lẫn kế hoạch tranh thủ sự ủng hộ của Công đảng – đảng đối lập hiện có tiếng nói trong vấn đề Brexit tại Quốc hội.
Bài phát biểu của Thủ tướng Anh được cho là diễn ra sớm hơn 1 ngày so với dự kiến trước thềm Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua các bước đi Brexit tiếp theo. Nguồn tin Văn phòng Chính phủ Anh cho biết, dự kiến trong bài phát biểu, bà May sẽ kêu gọi Quốc hội giữ vững tinh thần để gia tăng sức ép buộc Liên minh châu Âu phải chấp nhận sự thay đổi đối với thỏa thuận Brexit nhằm đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu một cách có trật tự. Bởi theo Thủ tướng Anh, giờ đang là giai đoạn then chốt và bà tin tưởng bà sẽ có được một thỏa thuận Brexit được các nghị sĩ ủng hộ.
Giới phân tích nhận định, nếu tuyên bố của Thủ tướng Anh diễn ra đúng như những gì văn phòng Chính phủ Anh cung cấp, Thủ tướng Anh có phần lạc quan thái quá so với thực tế hiện nay trong bối cảnh mọi cánh cửa nhằm tháo gỡ bế tắc cho tiến trình Brexit dường như đang đóng lại.
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 7/2 vừa qua đã có chuyến làm việc tại Bỉ nhằm thảo luận với các quan chức Liên minh châu Âu về giải pháp kịp thời cho tiến trình Brexit vốn đang bế tắc. Tuy nhiên, các cuộc gặp đã không đạt được bất kỳ đột phá nào. Hai bên chỉ nhất trí tiếp tục đối thoại nhằm tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận. Lập trường của Liên minh châu Âu dường như vẫn chẳng thay đổi chút nào sau bữa tối làm việc diễn ra ngày 11/2 giữa Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Stephen Barclay với Nhà đàm phán hàng đầu của Liên minh châu Âu về Brexit Michael Barnier. Mặc dù đánh giá cuộc đàm phán diễn ra hiệu quả song ông Barnier không quên nhấn mạnh rằng, Liên minh châu Âu sẽ không đàm phán lại về thỏa thuận Brexit và hai bên sẽ tiếp tục thảo luận trong những ngày tới.
“Chúng ta vẫn chưa đến thời điểm Brexit song thời gian còn lại cực kỳ ngắn. Chủ tịch các thể chế châu Âu đã nhắc lại nhiều lần rằng, thỏa thuận Brexit sẽ vẫn như những gì chúng tôi đã ấn định vào tháng 11 năm ngoái mà không có sự thay đổi. Thỏa thuận đạt được bao gồm cả điều khoản rào chắn vẫn là cách tốt nhất để đảm bảo một Brexit có trật tự”, ông Barnier nói.
Kế hoạch đối thoại tranh thủ sự ủng hộ của Công đảng – đảng đối lập hiện có tiếng nói trong vấn đề Brexit tại Quốc hội Anh dường như cũng không sáng sủa hơn so với kế hoạch đàm phán lại thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu. Thủ tướng Anh Theresa May ngày 12/2 đã thẳng thừng bác bỏ một trong 5 đề xuất được lãnh đạo Công đảng Corbyn đưa ra trước đó, bao gồm đề xuất về một liên minh thuế quan với Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, bà May bày tỏ hoan nghênh triển vọng các cuộc đàm phán tương lai với ông Corbyn nhằm tìm kiếm thỏa thuận, song theo nữ Thủ tướng, đề xuất của Công đảng đã không để ngỏ khả năng giải quyết bất đồng chính giữa họ, đồng thời đặt ra nguy cơ làm rạn nứt thêm nữa nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Bởi lẽ bà May và chính phủ của bà đã nhiều lần khẳng định quan điểm rằng việc là thành viên của một liên minh thuế quan sẽ ngăn cản Anh có một chính sách thương mại độc lập - điều mà họ đã thúc đẩy như một trong các lợi ích kinh tế chính của việc rời khỏi Liên minh châu Âu.
Trước viễn cảnh tiến trình Brexit được xem là u ám, giới ngoại giao và quan chức Anh đang đặt ra 3 kịch bản đối với tương lai của nước Anh: ra đi mà không có thỏa thuận nào, đạt được một thỏa thuận vào phút cuối hoặc trì hoãn Brexit.
Cao ủy phụ trách vấn đề kinh tế Liên minh châu Âu Pierre Moscovici trong tuyên bố hôm qua đã nói rằng, điều thiết yếu lúc này là Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên cần phải chuẩn bị sẵn sàng tất cả các kịch bản về Brexit: “Chúng ta hiểu rõ điều mà nước Anh không muốn. Họ không muốn một thỏa thuận hiện có. Họ cũng không muốn ra đi mà không có thỏa thuận. Giờ chúng ta đang đợi họ nói chính xác cái mà họ muốn và chúng ta phải thích ứng với nó. Chúng ta cần chuẩn bị các kịch bản”./.
Thủ tướng Anh muốn Quốc hội bỏ phiếu thêm về Brexit