Ngày 31/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xếp thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine - Ismail Haniya, vào danh sách “những kẻ khủng bố toàn cầu”, đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt trừng phạt với nhân vật này.

hamas_urrw.jpg
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniya. Ảnh: AFP

Động thái của Mỹ tiếp tục bị phía Palestine coi là “hành động thù địch” và là “bước cản lớn” đối với tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp sau sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong ngày 31/1 nêu rõ, ông Ismail Haniya có những mối liên hệ chặt chẽ với cánh vũ trang của Hamas và là người ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang, trong đó gồm nhiều hoạt động chống lại dân thường.

Theo các thông tin từ Mỹ, nhân vật này có liên quan đến các vụ tấn công khủng bố nhằm vào công dân Israel. Phong trào Hamas và thủ lĩnh phong trào này cũng phải chịu trách nhiệm các vụ tấn công khủng bố khiến ít nhất 17 công dân Mỹ bị thiệt mạng, kể từ khi phong trào này được thành lập năm 1987. Do đó, Ismail Haniya bị liệt vào danh sách những “kẻ khủng bố toàn cầu”.

Với quyết định này, ông Haniya sẽ bị cấm đi lại ra nước ngoài và toàn bộ tài sản của ông tại Mỹ cũng sẽ bị phong tỏa. Phía Washington cũng đã cấm mọi cá nhân và công ty Mỹ hợp tác làm ăn với nhân vật này.

Phong trào Hamas của Palestine ngay lập tức bác bỏ quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ và cho đây là “một bước leo thang nguy hiểm”. Người phát ngôn phong trào Hamas Isamil Raswan khẳng định đây là quyết định không công bằng, bởi ông Ismail Haniya là một thủ lĩnh chính trị được tôn trọng không chỉ tại Palestine mà toàn thế giới Arập và Hồi giáo.

Theo người phát ngôn này, hiện Mỹ đang gây áp lực lên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của người Palestine trước sự chiếm đóng của Israel. Tuy nhiên, điều đó là không thể. Thủ lĩnh Ismail Haniya sẽ không bị tác động bởi quyết định mới của Mỹ và sự nghiệp đấu tranh của người dân Palestine cũng vậy.

Người phát ngôn Hamas Isamil Raswan nói: “Thực tế cho thấy, việc đưa cái tên của Ismail Haniya vào danh sách khủng bố của Mỹ được đưa ra ngay sau thời điểm Mỹ công nhận chủ quyền Jerusalem cho phía Israel, cùng nhiều biện pháp trừng phạt, cũng như việc cắt giảm viện trợ cho cơ quan Liên hợp quốc để hỗ trợ người Palestine, tiếp tục là hành động chống lại người Palestine và chính quyền Mỹ đang tự đặt mình vào vị trí “thù địch”. Mỹ đang đứng về phía của lực lượng chiếm đóng Israel mà sẵn sàng chống lại các quyền của những con người muốn tự do và độc lập”.

Trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Al Jareeza, một quan chức cấp cao khác của phong trào Hamas, là Ghazi Hamad cũng cho rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thực hiện “một chiến dịch thù địch chưa từng có” chống lại người Palestine. Và đây là một chính sách “sai lầm”.

Theo vị quan chức này, thủ lĩnh Ismail Haniya, 55 tuổi, người kế nhiệm người đứng đầu phong trào Hamas Khaled Meshaal từ tháng 5 năm ngoái, là một trong những “biểu tượng kháng chiến” của người dân Palestine và được thế giới tôn trọng.

Ông Ismail Haniya sinh ra trong một trại tị nạn tại dải Gaza và có quan điểm “khá linh hoạt” trong các chính sách đối ngoại của phong trào này, đặc biệt là đối với Israel. Ông luôn hỗ trợ một giải pháp hòa giải cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel, dựa trên giải pháp 2 nhà nước độc lập cùng tồn tại.

Trái ngược với những động thái gần đây được cho là sẽ làm leo thang căng thẳng tại khu vực từ phía Mỹ, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách An ninh và Đối ngoại, bà Federica Mogherini ngày 31/1 tái khẳng định quan điểm của Khối đối với chủ quyền của Jerusalem, rằng đây sẽ là thủ đô của cả 2 nhà nước Israel và Palestine trong tương lai.

Bà đồng thời thông báo việc Liên minh châu Âu sẽ cung cấp khoản hỗ trợ  42,5 triệu Euro cho người Palestine trong thời gian tới, sau khi Mỹ quyết định giữ lại khoản viện trợ 65 triệu USD cho cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên phụ trách vấn đề người tị nạn Palestine./.