Reutersngày 15/8 dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với một tờ báo Đức cho rằng, Liên minh châu Âu nên cấp quy chế miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 10 tới, hoặc nếu không, thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư mà EU đạt được với Ankara hồi tháng 3 năm nay có thể sẽ bị gạt sang một bên.

tnk1_ttqu.jpg
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. (Ảnh: yenicaggazetesi)

Trả lời tờ Bild của Đức, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đưa ra yêu sách trao đổi: “Tôi không muốn nói về kịch bản tồi tệ nhất. Các cuộc đàm phán với EU vẫn đang tiếp tục nhưng rõ ràng là chỉ có lựa chọn hoặc cùng thực hiện các thỏa thuận, hoặc là gạt chúng sang một bên”, ông Cavusoglu nói.

Trong tuyên bố của mình, ông Cavusoglu cũng cảnh báo về khả năng hàng trăm nghìn người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tràn vào châu Âu nếu EU không chấp thuận miễn thị thực nhập cảnh cho công dân nước này kể từ tháng 10 tới. 

Cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư đổ vào châu Âu mà nước này ký hồi tháng 3 vừa qua với EU để đổi lấy khoản hỗ trợ tài chính, đồng thời chờ đợi EU miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả các công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khối này, cũng như thúc đẩy tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, EU đang tạm thời trì hoãn xem xét việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ do những tranh cãi liên quan tới luật chống khủng bố của nước này, cũng như hoạt động trấn áp mạnh tay của Ankara sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7.

Đề cập đến vấn đề này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị tổn thương bởi “thay vì giúp Thổ Nhĩ Kỳ, họ (một số quốc gia trong EU) lại xúc phạm chúng tôi”.

Theo ông Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các nỗ lực, “giống như các quốc gia khác, để đáp ứng điều kiện gia nhập EU”. Tuy nhiên, những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhận được “sự đe dọa, xúc phạm và phong tỏa” từ EU.

“Tôi tự hỏi chúng tôi đã phạm lỗi gì? Sự thù địch đó là sao?”, ông Cavusoglu nói./.