1, Thông tấn Saudi Arabia sáng 15/12 thông báo, nước này cùng 33 quốc gia khác đã hình thành một Liên minh quân sự quốc tế chống tổ chức khủng bố IS.

Liên minh có sự tham gia của nhiều quốc gia khu vực như Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Thổ Nhỹ Kỳ, các quốc gia Vùng Vịnh, cùng một số nước châu Á như Malaysia, Pakistan và một số quốc gia châu Phi. 

part_par_par7992635_1_1_0_rsqi.jpg
Binh sỹ Saudi Arabia. (ảnh: AFP).

Sứ mệnh của Liên minh là bảo vệ thế giới Hồi giáo trước tội ác của các nhóm và tổ chức khủng bố không phân biệt quy mô hay tên gọi, chứ không chỉ dừng lại ở việc chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Thái tử Mohamed Bin Salman, chiến dịch sẽ phối hợp các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố ở cả Syria, Iraq, Libya, Ai Cập và Afghanistan. Ngoài ra, cũng sẽ có cả sự điều phối hợp đồng tác chiến với cả các cường quốc và các tổ chức quốc tế, nhất là tại hai chiến trường Iraq và Syria, song không nêu thông tin chi tiết.

Hiện chưa rõ quy mô lực lượng cũng như có sự tham gia của Iran trong Liên minh quân sự quốc tế chống IS mới hình thành hay không. 

2, Ngày 15/12, siêu bão Melor đã đổ bộ vào miền trung Philippines khiến ít nhất 3 người thiệt mạng do ảnh hưởng của bão, hàng triệu người dân của đất nước này lâm vào cảnh không có điện sử dụng. 

Lực lượng quân đội Philippines giúp dân sơ tán. (Ảnh AFP).

Phát biểu trên đài phát thanh DZMM của Philippines, ông Jonathan Baldo, đại diện của Cơ quan quản lý thảm họa địa phương cho biết, một người bị chết do bị hạ thân nhiệt, còn hai người khác bị chết đuối tại thị trấn Catarman ở tỉnh Bắc Samar. 

Trong khi đó, Cơ quan quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia Philippines cho biết, cơn bão này đã gây mất điện lưới tại ít nhất 7 tỉnh thành.

Bão Melor đã quét qua bán đảo Bicol của Philippines – nơi có dân số khoảng 5,4 triệu người dân vào đêm qua, trước khi đổ bộ vào quần đảo Romblon vào sáng 15/12. Hiện vẫn chưa có báo cáo về thương vong tại khu vực Bicol, nơi 720.000 người đã phải sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn vào ngày 14/12. 

3, Quân đội Australia đang tiến hành các chuyến bay “tự do đi lại” trong không phận phía trên Biển Đông bất chấp những tuyên bố phi lý của Trung Quốc. 

Máy bay P-3 Orion của Australia. Ảnh: Getty.

Trong một chuyến bay dân sự gần đây, một đội phóng viên của BBC đã bắt được tín hiệu vô tuyến điện cho thấy quân đội Australia đang tiến hành các chuyến bay trong vùng Biển Đông, tương tự như các oanh tạc cơ B-52 của Mỹ bay lượn ở đây hồi tháng 11 khiến Trung Quốc nổi giận.

Bộ Quốc phòng Australia đã xác nhận với BBC về các chuyến bay nói trên.

Trong một tuyên bố của mình, Bộ Quốc phòng Australia cho hay, một trong các máy bay do thám P-3 Orion đang tiến hành cái mà họ gọi là một “chuyến tuần tra hàng hải thường lệ” nằm trong các nỗ lực duy trì an ninh và ổn định khu vực.

4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 15/12 tới Nga trong nỗ lực lực giảm thiểu những bất đồng giữa hai nước liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria.

Đây là một phần trong chuỗi các hoạt động ngoại giao diễn ra những ngày qua nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài quá lâu và đang ngày càng trở nên nguy hiểm này. 

 Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái). (ảnh: Reuters).

Mục đích chuyến thăm Nga lần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là nhằm chuẩn bị cho cuộc họp của Nhóm quốc tế về hỗ trợ Syria (ISSG), mà Mỹ hy vọng có thể tổ chức được ngay vào cuối tuần này (18/12) tại New York. 

Hai vòng đàm phán mới đây nhất của Nhóm quốc tế về hỗ trợ Syria, bao gồm cả những nước ủng hộ và phản đối chính quyền của Tổng thống al- Assad diễn ra vào cuối tháng 10 và giữa tháng 11 vừa qua, với kết quả lớn nhất là đạt được một lộ trình cho hòa bình Syria. 

Theo đó, một cuộc gặp chính thức giữa đại diện chính phủ và phe đối lập Syria dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc sẽ phải diễn ra muộn nhất là vào ngày 1/1 năm sau, để tạo cơ hội cho các tiến trình chính trị khác. 

5, Báo Hurriyet Daily News đưa tin, ông Andrei Karlov, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể được khôi phục trong trường hợp Ankara sẽ thực hiện ba điều kiện.

Theo ông Karlov, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ phải  xin lỗi cho hành động bắn hạ máy bay ném bom Nga Su-24, cũng như tìm và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về vụ việc này. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ phải bồi thường cho phía Nga chiếc  máy bay bị phá hủy./.