Saudi Arabia ngày 15/1 tuyên bố thành lập một liên minh quân sự gồm 34 nước Hồi giáo để chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố. Thành viên của liên minh này bao gồm một danh sách dài các nước Arab như Ai Cập, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cùng nước Hồi giáo khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan và các nước vùng Vịnh Arab, châu Phi. 

Quân Saudi Arabia đang pháo kích vào một vị trí của phiến quân ở Yemen. (Ảnh:Reuters).

Hãng thông tấn nhà nước SPA dẫn thông cáo chung của liên minh này cho biết, trung tâm điều phối hoạt động sẽ đặt tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, nước dẫn đầu liên minh. Thông cáo nêu rõ, liên minh này có nhiệm vụ “bảo vệ các nước Hồi giáo khỏi sự xấu xa của tất cả những nhóm khủng bố bất kể giáo phái”. 

Trong một cuộc họp báo hiếm hoi hôm qua, Hoàng tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết, chiến dịch này sẽ phối hợp các nỗ lực chống khủng bố ở Iraq, Syria, Libya, Ai Cập và Afghanistan.

Ông nhấn mạnh: “Ngày nay, có rất nhiều nước đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố từ các tổ chức như nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq. Và Syria, khủng bố ở Sinai, Yemen, Libya, Mali, Nigeria, Pakistan, Afghanistan… và điều này đòi hỏi một nỗ lực rất mạnh mẽ để chống lại chúng. Rõ ràng, chỉ có hợp tác mới có thể thúc đẩy được nỗ lực ấy”.

Trước đó, Mỹ đã rất tích cực hối thúc các nước vùng Vịnh Arab tăng cường viện trợ cho chiến dịch quân sự chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng hiện là kẻ thù chung của các nước vùng Vịnh Arab khi tuyên bố sẽ lạt đổ những nền quân chủ ở khu vực này, tiến hành hàng loạt vụ tấn công vào những nhà thờ Hồi giáo dòng Siai và lực lượng an ninh ở Kuwait, Saudi Arabia…

Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Hoàng tử Mohammad bin Salman khẳng định, liên minh mới không chỉ chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng mà “tất cả các tổ chức khủng bố”. Mặc dù vậy, ông không nêu cụ thể cách tiến hành các nỗ lực quân sự này.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của liên minh này. Nếu lấy chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng làm ví dụ, Mỹ tuyên bố có đến 65 nước ủng hộ liên minh do nước này dẫn đầu nhưng báo chí cho rằng con số thực sự đóng góp chỉ hơn một chục nước.

Trong khi đó, Nga cũng dẫn đầu một liên minh chống khủng bố tại Syria có tên RSII với sự tham gia của chính phủ Syria, Iran và Iraq. Và dù muốn hay không, khi Nga bắt đầu chiển khai chiến dịch của riêng họ hồi tháng 9 vừa qua tại Syria để truy quét khủng bố, Washington cũng đã buộc phải bắt tay với Moscow.

Trong khi đó, liên minh do Saudi Arabia mới thành lập không có sự tham gia của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran theo dòng Shiite, đối thủ của Saudi Arabia theo Hồi giáo dòng Sunni trong cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng ở thế giới Arab. Hiện 2 nước đang có những cuộc xung đột gián tiếp khi ủng hộ các bên đối nghịch nhau ở Syria và Yemen.

Giới phân tích cho rằng, chừng nào còn những bất đồng như thế này thì chừng đó các nước Hồi giáo còn chưa bài trừ được chủ nghĩa cực đoan và khủng bố ra khỏi thế giới của họ./.