1. Sáng sớm nay (theo giờ Việt Nam), Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được chính thức được ký kết tại thành phố Auckland, New Zealand. 12 Bộ trưởng và Trưởng đoàn đàm phán của 12 nước thành viên lần lượt ký kết hiệp định với sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand - John Key. 

tpp_new_zealand_0203_bqsp.jpg
Đại diện các quốc gia thành viên TPP chụp ảnh lưu niệm tại Auckland
Ngay sau khi 12 Bộ trưởng Thương mại của các nước Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại thành phố Auckland của New Zealand, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để bắt đầu các thủ tục phê chuẩn để TPP có hiệu lực, chính giới trong và ngoài TPP đã có những đánh giá tích cực về sự kiện này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng hoan nghênh việc ký kết một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử, nhấn mạnh Hiệp định TPP có thể sẽ cho Mỹ lợi thế hơn so với các nền kinh tế hàng đầu khác, cụ thể là Trung Quốc. Ông Obama tin rằng, TPP sẽ cho phép Mỹ tạo thêm nhiều việc làm và hàng hóa sản xuất tại Mỹ được xuất khẩu nhiều hơn ra toàn thế giới.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand John Key khẳng định, TPP sẽ giúp mở rộng tự do hóa thương mại và các hoạt động giao thương trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Trong thông cáo báo chí ngày 4/2, Bộ Thương mại Australia hoan nghênh kết quả đạt được tại New Zealand, nhấn mạnh Hiệp định TPP sẽ mang lại lợi ích cho nước này, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ thương mại.

Bộ trưởng thương mại Australia Andrew Robb khẳng định, thỏa thuận sẽ thúc đẩy mở rộng và đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh, xóa bỏ những rào cản và cung cấp các hoạt động minh bạch, dễ dự đoán; đồng thời Chính phủ Australia hy vọng TPP sẽ là một cơ sở vững chắc cho sự thống nhất các quy tắc thương mại cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Trong khi đó, khẳng định những lợi ích của TPP, Bộ trưởng thương mại Singapore Lim Hang Kiang cho rằng, TPP là một cột mốc quan trọng đối với tự do hóa thương mại khu vực, các quy tắc thương mại mới và đảm bảo cho các nhà đầu tư có một thị trường cởi mở và minh bạch hơn. 

Bộ trưởng thương mại Singapore hy vọng Hiệp định TPP được phê chuẩn càng sớm càng tốt để giới doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự gia tăng các cơ hội thương mại và đầu tư.

2.Kênh truyền hìnhNHKcủa Nhật Bản hôm nay dẫn các nguồn tin ngoại giao giấu tên khẳng định, một bệ phóng di động đã được chuyển tới vùng duyên hải miền Đông Triều Tiên để chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa.NHKnhận định, với việc một tên lửa đạn đạo được đặt trên bệ phóng, nhiều khả năng Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa tại đây. Tuy nhiên,NHKkhông cho biết đó là tên lửa tầm xa hay tầm ngắn.

Tên lửa Unha-3 rời bệ phóng. (Ảnh: AP)
Nhật Bản cũng cho biết đang chuẩn bị mọi phương án đề phòng Triều Tiên phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, vi phạm lãnh thổ nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cho rằng, hành động phóng vệ tinh của Triều Tiên "sẽ không bao giờ được chấp nhận". Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay thông báo, quân đội nước này đã hoàn thành công tác chuẩn bị để đánh chặn tên lửa mà Triều Tiên có kế hoạch phóng trong tháng 2 này - động thái mà nhiều nước cho rằng đó thực chất là một vụ thử tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, đồng minh của Nhật Bản và Hàn Quốc là Mỹ cho biết đang theo dõi chặt chẽ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua khẳng định, quân đội Mỹ sẽ đồng thời tiếp tục mở rộng các hoạt động phòng thủ chống vụ tấn công tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên

Về phía Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hối thúc Triều Tiên ngừng kế hoạch phóng vệ tinh, cảnh báo hành động này sẽ vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc về công nghệ tên lửa.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq hôm qua cho biết, Tổng thư ký tin rằng, điều quan trọng là Triều Tiên "ngừng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo", thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Haq khẳng định, nghị quyết Liên hợp quốc cấm Triều Tiên phát triển công nghệ tên lửa là luật pháp quốc tế. Tuyên bố của người phát ngôn, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng, thông báo của Triều Tiên là “một diễn biến vô cùng rắc rối”, làm phức tạp thêm những quan ngại của cộng đồng quốc tế.

3.Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg hôm qua cho biết, Mỹ sẽ xem xét tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông như là một phần trong nỗ lực để đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Theo AFP, tuyên bố trên diễn ra sau những diễn biến gây lo ngại từ việc Trung Quốc thử nghiệm các chuyến bay ra đường băng mà nước này xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Phát biểu với báo giới, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho biết: “Nước Mỹ sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi của mình theo luật pháp quốc tế. Tàu thuyền của chúng tôi có quyền đi lại tự do qua vùng biển quốc tế và máy bay của chúng tôi cũng sẽ tiếp tục bay qua không phận quốc tế”.

“Vì vậy, tôi sẽ không phán xét những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi đã thảo luận về triển vọng tuần tra chung với Philippines, tôi không loại trừ khả năng nó có thể diễn ra”, ông Goldberg nói thêm.

Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ đồng ý với Philippines không, nếu nước này chính thức yêu cầu tham gia tuần tra chung ở Biển Đông, ông Goldberg trả lời ngắn gọn: “Tôi nghĩ vậy”.

“Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ hạn chế nào về những gì mà nước Mỹ có thể làm”, ông Goldberg nói thêm.

Washington trước đó từng cảnh báo, dù Bắc Kinh có “nhanh tay” xây dựng các công trình tại những hòn đảo nhân tạo mà họ bồi lấp trái phép ở Biển Đông thì “máy bay và tàu thuyền của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.

4.Liên Hợp Quốc hôm qua (3/2) quyết định tạm ngừng các cuộc đàm phán về hòa bình Syria đang diễn ra tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) tới ngày 25/2, do tình hình chiến sự không có dấu hiệu lắng dịu tại quốc gia Trung Đông này.

Hòa bình cho Syria vẫn còn rất xa vời. (Ảnh: Getty)
Ngay sau thông báo, cả phe Chính phủ và phe đối lập Syria đều không ngừng đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân thất bại của tiến trình hòa đàm. Theo Chính phủ Syria, phe đối lập ngay từ đầu đã tìm cách gây cản trở cho các cuộc thảo luận, cũng như cho thấy “sự không nghiêm túc” trong thực hiện những nỗ lực thúc đẩy hòa bình đất nước.

Cùng ngày, Pháp và Mỹ cũng lên án mạnh mẽ tình trạng xung đột tiếp diễn này, đồng thời gắn nguyên nhân đổ vỡ của tiến trình đàm phán tại Geneva với tình hình thực địa. Lâu nay, Mỹ và phương Tây vẫn luôn cáo buộc chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria là nhằm hỗ trợ quân đội nước này giành thế chủ động trên chiến trường, bất chấp sự bác bỏ của Nga.

Theo kế hoạch, hôm nay, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại thủ đô London, Anh để kêu gọi hỗ trợ tài chính cho 18 triệu người dân Syria, nạn nhân của cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua.

5.Văn phòng Tổng thống Mỹ hôm qua (3/2) thông báo, Tổng thống Barack Obama sẵn sàng đưa ra quyết định hành động nếu xét thấy cần thiết để đối phó với mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Libya.

IS đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở Libya. (Ảnh: AFP)
Theo người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnets, nếu Mỹ cần hành động đơn phương để bảo vệ nhân dân Mỹ, Tổng thống sẽ không do dự. Tuy nhiên, ông từ chối cho biết, liệu Tổng thống đã đưa ra quyết định về khả năng gửi bộ binh tới Libya hay chưa, song nhấn mạnh, ông Obama đã khẳng định quyết tâm đưa ra những biện pháp theo hướng này nếu cần thiết.

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lợi dụng tình trạng bất ổn tại Libya để biến quốc gia Bắc Phi này thành căn cứ địa mới. IS hiện đã giành quyền kiểm soát thành phố Syrte và thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Libya.

Đại diện 23 nước tham gia liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, nhóm họp hôm qua tại thủ đô Rome, Italy đã thông báo kế hoạch mở rộng chiến dịch sang Libya, song với điều kiện phải được sự cho phép của Chính phủ đoàn kết dân tộc trong tương lai của Libya./.