Một loạt những vấn đề tối quan trọng đang chờ đợi Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà quay trở lại nghị trường sau kỳ nghỉ hè. Cuộc xung đột kéo dài 5 năm tại Syria với hậu quả là hàng triệu người phải ly hương, cuộc nội chiến ở Ukraine và chiến dịch trấn áp hậu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ... Không có vấn đề nào được cải thiện khi vắng bà Merkel mà ngược lại thậm chí ngày càng tồi tệ hơn.

0_19450927_303_00_gvta.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Kiềm chế căng thẳng Nga - Ukraine

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang leo thang vì vấn đề bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào lãnh thổ của mình vào năm 2014. Kremlin đã cáo buộc Ukraine âm mưu "phá hoại” khi khơi mào các cuộc tấn công. Ukraine cũng đưa ra những lời buộc tội tương tự đối với Nga.

Mặc dù các tổ chức bên ngoài không thể kiểm chứng những lời buộc tội này một cách độc lập, Nga đã đe doạ sẽ đáp trả và các binh đoàn của Ukraine đang được đặt trong tình trạng báo động. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang bàn về vấn đề này.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đối tác châu Âu quan trọng nhất của mình. Vào tháng 2/2015, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có những đóng góp giúp các bên đi đến ký kết thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại Đông Ukraine. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận này vẫn hết sức chậm chạp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tuyên bố rằng việc 4 nước tiến hành các cuộc họp tiếp theo là điều "hoàn toàn vô ý nghĩa”. Tuy vậy, bà Merkel vẫn mong muốn tiếp tục thúc đẩy một giải pháp ngoại giao bao gồm gây sức ép với các bên và tiến hành đối thoại với Nga. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmer có thể đưa ra những sự lựa chọn ngoại giao mới trong chuyến công du đến Moscow vào ngày 15/8 tới đây.

Thổ Nhĩ Kỳ - Bài toán vô cùng hóc búa

Cho đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là đã sử dụng cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 không chỉ để củng cố quyền lực của mình mà còn để chỉ trích các nhà lãnh đạo Đức ở mọi cơ hội có thể. Tuy nhiên bà Merkel vẫn kiên định bảo vệ thoả thuận hoán đổi người tị nạn mà Liên minh châu Âu (EU) đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa Xuân năm nay. Tuy nhiên quan hệ đang xấu đi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU khiến tương lai của thoả thuận này đang gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này cần có vai trò quan trọng của Đức - "đầu cầu” chính tiếp nhận những người di cư từ các nước như Syria. Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, phần lớn những người được hỏi đều tỏ ra không hài lòng về các chính sách tị nạn của bà Merkel. Theo ước tính, có khoảng 16.000 người nhập cư đến Đức mỗi tháng, thấp hơn so với con số 90.000 vào đầu năm nay song điều đó vẫn có nghĩa là 238.000 người đã đến tị nạn ở Đức trong một vài tháng đầu năm nay. Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức ước tính sẽ có thêm khoảng 200.000 người xin tị nạn trong năm 2017.

Bất đồng nội bộ trong đảng

Tình hình liên quan tới người tị nạn đang là bất đồng nội bộ giữa Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel với đảng anh em Bavaria - Đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa Giáo (CSU). Ngay từ đầu, Chủ tịch CSU Horst Seehofer đã chỉ trích chính sách tị nạn của bà Merkel. Và nhiều tháng trôi qua, ông Seehofer càng lớn tiếng công kích bà Merkel.

Hiện nay, ông Seehofer đã "lật bài ngửa" khi ám chỉ rằng ông có thể tham gia tranh cử chiếc ghế Thủ tướng Đức vào năm 2017. Sự ủng hộ của các cử tri dành cho ông Seehofer hiện đang vững mạnh, trong khi bà Merkel đang mất dần đi uy tín đặc biệt sau một loạt các cuộc tấn công riêng rẽ diễn ra tại nước Đức vào tháng 7 mà hai thủ phạm trong đó là thanh niên tị nạn. Một loạt các hội nghị đảng dự kiến sẽ được tổ chức vào mùa Thu năm nay để hàn gắn những bất đồng này.

Vị thế của đảng CDU cũng giảm dần cùng với bà Merkel. Theo kết quả thăm dò ý kiến, tỉ lệ ủng hộ đảng CDU chỉ là 35%. Trong một nỗ lực nhằm giành lại số phiếu từ đảng đối lập cánh tả "Sự lựa chọn thay thế dành cho nước Đức", bà Merkel đã công bố các biện pháp an ninh mới trong nước tại cuộc họp báo vào tháng 7. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere chịu trách nhiệm soạn thảo các biện pháp này, bao gồm các chính sách hội nhập và tị nạn.

Các thành viên thuộc đảng Dân chủ Xã hội vốn cùng lãnh đạo với CDU và CSU trong một liên minh lớn cũng cần phải nhất trí các đề xuất này. Một lệnh cấm về burqas - trang phục trùm kín của một số phụ nữ Hồi giáo, có thể đóng một vai trò quan trọng trong hội nghị của đảng CDU vào tháng 12 năm nay./.