Nhóm al-Qaeda tại Syria hôm qua, đã kiểm soát cửa khẩu biên giới cuối cùng giữa Syria và Jordan, trong khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) lần đầu tiên tấn công thủ đô Damacus.

syri_dzqb.jpgMột khu dân cư ở thành phố Idlib hoang tàn sau khi phiến quân IS tràn qua hôm 1/4 (ảnh: Reuters)
Cơ quan giám sát nhân quyền Syria cho biết, các nhóm vũ trang cùng với nhánh Al-Nusra Front của Al-Qaeda đã kiểm soát điểm biên giới Nasib giữa Jordan và Syria. Một nguồn tin an ninh của chính phủ cho biết, quân đội chính phủ đã rút khỏi khu vực biên giới Nasip với Jordan.  Ngay sau đó, máy bay của quân đội chính phủ cũng bắt đầu ném bom xuống khu vực gần Nasip. Hiện chưa có thông tin về số thương vong. Jordan trước đó đã đóng cửa khẩu biên giới với Syria.

Bộ Nội vụ Jordan cho biết, đây là một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ cuộc sống và an ninh cho những người đi lại qua cửa khẩu. Tận dụng những bất ổn tại Syria, nhóm Nhà nước Hồi giáo ( IS) bắt đầu thực hiện các vụ tấn công đầu tiên của mình vào thủ đô Damacus, nhằm vào trại tị nạn Yarmu. Nếu nhóm phiến quân kiểm soát toàn bộ trại tị nạn, IS có khả năng đe dọa trung tâm thủ đô Damacus.

Những diễn biến hiện nay đang làm lu mờ triển vọng hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria. Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Sabah Khaled Al –Hamad Al- Sabah cho rằng, cuộc khủng hoảng Syria chưa giải quyết được một phần do thiếu sự đồng thuận của quốc tế.

Nga cáo buộc Mỹ và các nước châu Âu đang cố gắng lật đổ tổng thống Assad, điều có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Syria. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu tiếp tục lên tiếng ủng hộ lực lượng đối lập ôn hòa tại Syria. Ông Al- Sabah nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần phải tìm được tiếng nói chung để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Ông Al- Sabah nói: “Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an trong 5 năm qua đã không thể tìm ra một giải pháp để chấm dứt cuộc xung đột. Đối mặt với thực tế này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các nước thành viên thường trực đòi hỏi cần phải đặt lợi ích và khác biệt của mình sang một bên và đoàn kết để giải quyết cuộc xung đột”.

Các nhà tài trợ quốc tế hôm qua cam kết hỗ trợ khoảng 3,8 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Tổng thư kí Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: “ Bạo lực đã khiến nhiều người Syria không có nhà cửa, trường học, bệnh viện. Cộng đồng quốc tế đang tăng cường đoàn kết để giảm nhẹ những nỗi đau của người dân Syria. Các nước thành viên Liên Hợp Quốc, các đối tác khu vực và quốc tế cũng cam kết hỗ trợ khoảng 3,8 tỉ đôla Mỹ”.

Cuộc xung đột tại Syria cũng dẫn tới thảm họa nhân đạo lớn nhất trong thời đại này. Khoảng 4 triệu người đã phải rời Syria ra nước ngoài lánh nạn, trong đó hơn 1 triệu tới tị nạn ở nước láng giềng Lebanon. Chưa kể hơn 7 triệu người phải sơ tán bên trong lãnh thổ Syria. Dư luận cũng đang lo ngại khả năng IS và Al-Qaedahợp tác với nhau trên một mặt trận tại Syria, có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 4 năm qua ở nước này./.