Theo ông Kyi Toe - thành viên thuộc Ủy ban thông tin của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, Tổng thống U Win Myint bị buộc tội vi phạm các biện pháp liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 theo Luật xử lý thiên tai. Trong khi đó, bà San Suu Kyi bị buộc tội theo Luật xuất nhập khẩu khi bộ đàm cầm tay nhập khẩu và sử dụng trái phép được tìm thấy tại nhà riêng của bà ở thủ đô Nay Pyi Taw. Cảnh sát đã yêu cầu tòa án ra lệnh tạm giam 2 nhân vật này trong 15 ngày, từ 1/2 đến 15/2.
Hiện quân đội và cảnh sát chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào. Tuy nhiên, hôm qua, quân đội Myanmar ra thời hạn 24 giờ cho các nghị sĩ phải rời khỏi thủ đô Nay Pyi Taw.
Phản ứng trước những diễn biến chính trị mới nhất tại Myanmar, hôm qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres yêu cầu những người bị quân đội giam giữ trong cuộc chính biến phải được trả tự do và khôi phục trật tự theo hiến pháp.
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà chức trách thả bà San Suu Kyi, Tổng thống và các những người khác bị quân đội giam trong vài ngày qua. Tôi nghĩ rằng những cáo buộc chống lại bà San Suu Kyi là phá hoại quy tắc luật pháp và tiến trình dân chủ ở Myanmar”.
Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt lên Myanmar. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục xem xét các biện pháp trừng phạt và các phương án hành động khác liên quan đến những diến biến chính trị ở Myanmar. Đó chắc chắn là một ưu tiên”.
Các ngoại trưởng G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật và Mỹ đã ra một tuyên bố chung, bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Myanmar và kêu gọi nước này ngay lập tức thả những người bị bắt.
Trước đó ngày 2/2, Anh đưa ra một dự thảo tuyên bố lên án cuộc chính biến để thảo luận tại Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. Dự thảo đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp quyền, nhân quyền và ngay lập tức thả những người bị giam giữ. Tuy nhiên, việc thông qua tuyên bố bị hoãn vì không có đủ sự ủng hộ của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an.
Trong một thông tin liên quan, hôm qua, hoạt động thương mại giữa Thái Lan và Myanmar đã được nối lại tại tỉnh Kanchanaburi sau khi các nhà chức trách Thái Lan tạm thời nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống đại dịch Covid-19 trong vòng 2 ngày. Theo Hiệp hội thương mại biên giới Thái Lan-Myanmar, Myanmar cần hàng tiêu dùng từ Thái Lan và nhập khẩu hải sản, hành tím qua tỉnh Kanchanaburi. Tỉnh Kanchanaburi đã đơn phương đóng cửa biên giới với Myanmar sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại khu vực này. Biên giới sẽ đóng cửa trở lại sau ngày giao dịch 4/2. Các chuyến hàng chở thuốc lá và đồ uống có cồn bị cấm./.