Trong bối cảnh các bên không tìm được tiếng nói chung trong các chiến dịch chống nhóm khủng bốNhà nước Hồi giáo(IS) tự xưng, thì những xung đột mới đang đẩy Syria lún sâu vào nội chiến.

xung_dot_syria_ujbd.jpg
Xung đột Syria. Ảnh: futureforeignpolicy.

Điều đáng nói là những người dân Syria là nạn nhân đầu tiên và chịu ảnh hưởng lớn nhất vì chiến sự.

Hôm qua (21/8), các máy bay chiến đấu của Pháp trong liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã phá hủy một kho vũ khí hạng nặng và trang thiết bị của IS tại Raqqa. Tuần trước, các máy bay tiêm kích Su-34 của Nga đặt tại căn cứ không quân Hamedan ở Iran đã tiếp tục các đợt oanh kích quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu IS ở tỉnh Deir ez-Zor của Syria.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các chiến dịch đã thành công, phá hủy sở chỉ huy, các kho vũ khí, doanh trại huấn luyện lớn của IS ở Deir ez-Zor và tiêu diệt hàng trăm phiến quân, trong đó có cả các tay súng nước ngoài.

Sự chia rẽ trong các lực lượng chống IS

Dù cùng chung mục tiêu đánh bại nhóm khủng bố IS, song quân đội Syria do Nga ủng hộ và các lực lượng đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn lại không tìm được tiếng nói chung để thúc đẩy hiệu quả hơn cuộc chiến chống khủng bố.

Diễn biến xung đột mới tại Syria giữa Quân đội Chính phủ và lực lượng người Kurd ở thành phố Hasakah phía Đông Bắc Syria do Mỹ bảo trợ khiến cho quốc gia Trung Đông này lún sâu vào cuộc “nội chiến đa phương”.

Hasakah là thủ phủ của tỉnh cùng tên, với hầu hết các khu vực trong thành phố đang do lực lượng người Kurd kiểm soát, trong khi phần nhỏ còn lại do các lực lượng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát. Hai lực lượng này đều có kẻ thù chung là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng thời gian gần đây, căng thẳng đã leo thang giữa hai bên sau khi lực lượng người Kurd đòi giải tán các lực lượng phòng vệ Quốc gia thân Chính phủ tại Hasakah.

Sau các cuộc không kích của quân đội Syria nhằm vào người Kurd tại Hasakah, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, liên quân do Mỹ đứng đầu đã điều động các máy bay tiêm kích để bảo vệ lực lượng người Kurd đang cộng tác cùng các cố vấn người Mỹ. Trước diễn biến xung đột mới, một phái đoàn Nga đã bắt đầu những nỗ lực hòa giải tại Hasakah.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Syria khi không có đoàn hỗ trợ nhân đạo nào có thể tiếp cận các vùng chiến sự tại quốc gia Trung Đông này trong một tháng qua. Các bên tại Syria đang tăng cường những chiến dịch quy mô để đánh bại nhóm khủng bố IS, song người dân Syria, đặc biệt là trẻ em đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến này.

Cả thế giới đã chấn động và phẫn nộ khi thấy hình ảnh một cậu bé khoảng 5 tuổi ngồi sau xe cứu thương, với khuôn mặt chảy máu và toàn thân phủ đầy bụi đất. Đằng sau hình ảnh này là cuộc không kích dữ dội tại thành phố Aleppo.

“Đi hay ở” đều chết

Cậu bé được cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà sau trận không kích, song anh trai của cậu bé này không được may mắn như vậy và đã không thể qua khỏi. Và mới đây câu chuyện lực lượng cứu hộ Italia tìm thấy thi thể một em bé 8 tháng tuổi thiệt mạng khi chiếc thuyền chở người di cư Syria tới châu Âu bị lật trên Địa Trung Hải, đã một lần nữa cho thấy sự tàn khốc mà người dân Syriaphải hứng chịu vì cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua. Số phận của người Syria dù ở lại hay ra đi cũng đều có thể là cái chết.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga vẫn đang nỗ lực hợp tác với Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria: “Hiện nay, ưu tiên hàng đầu là sự phối hợp giữa các bên để giải quyết khủng hoảng Syria. Nga và Mỹ đã tiến hành tham vấn giữa các cơ quan quân sự, tình báo và ngoại giao của 2 nước”.

Theo ông Sergey Lavrov, hiện Nga và Mỹ đang thảo luận các cơ chế cụ thể để thực thi những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tháng trước. Hai bên cũng đang thảo luận với Liên Hợp Quốc về khả năng mở thêm các hành lang nhân đạo, cũng như xem xét khả năng tăng cường kiểm tra hàng hóa vận chuyển qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp cho các phần tử khủng bố./.