JCPOA tốt hơn cả những gì ông Trump kỳ vọng

Theo Reuters, ông Trump vẫn cố tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố rằng, lần kéo dài Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA)- tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử- sẽ là “cơ hội cuối cùng để sửa chữa những sai lầm thảm họa của thỏa thuận này nếu không Mỹ sẽ rút khỏi JCPOA”.

trump_iyje.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ cũng vạch ra 4 điều kiện cho một “thỏa thuận bổ sung” cho JCPOA và kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua thành luật. 4 điều kiện này bao gồm:

1.     Iran cho phép các “cơ quan trung gian” thị sát “mọi địa điểm mà các thanh sát viên quốc tế yêu cầu”.

2.     Iran không bao giờ được phép “tiến sát đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân”.

3.     Sẽ “không có hạn chót” cho các điều khoản này và cuối cùng

4.     luật phải nêu rõ “chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa của Iran là các thành tố không thể tách rời”.

Trong trường hợp Quốc hội Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ tại châu Âu không ủng hộ thỏa thuận bổ sung, ông Trump tuyên bố ông sẽ đơn phương “khai tử” JCPOA. Điều này khiến các thành viên EU và nhiều quốc gia khác không khỏi bị sốc.

Điều này là bởi, trên thực tế, nội dung của JCPOA đã thiết lập tiêu chuẩn cao nhất về minh bạch hạt nhân mà các bên từng tham gia đối thoại. Ngoài ra, JCPOA cũng đảm bảo rằng, chương trình hạt nhân Iran không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thành phát triển vũ khí hạt nhân.

Điều này cho thấy, JCPOA hoàn toàn đáp ứng tốt 2 tiêu chuẩn đầu tiên mà ông Trump nêu ra và thậm chí còn vượt quá bất kỳ điều khoản nào mà một quốc gia tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân từng chấp thuận.

Hơn thế nữa, dù các hạn chế được nêu ra trong JCPOA chỉ mang tính tạm thời- hiệu lực trong vòng 8-25 năm- sau khi thỏa thuận này hết hạn, Iran vẫn phải chịu sự giám sát của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Trong một bức thư ủng hộ JCPOA công bố hồi tháng 10/2017, hơn 90 nhà khoa học hạt nhân hàng đầu thế giới khẳng định, JCPOA đại diện cho “những biện pháp đảm bảo an toàn tốt nhất và thực tế nhất mà IAEA có thể kiểm soát”.

Trump muốn kiểm soát hoàn toàn Iran?

Không dừng lại ở đó, điều khoản thứ 3 và thứ 4 trong thỏa thuận bổ sung của ông Trump được cho là nhằm duy trì sự hạn chế vô hạn đối với chương trình hạt nhân của Iran cũng như cố tình kết nối với chương trình tên lửa của nước này bất chấp việc nhiều quốc gia từng lên tiếng phản đối việc thương thảo lại thỏa thuận này cũng như chỉ trích Mỹ đang vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trên thực tế, theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân Iran hoàn toàn có quyền làm giàu urani vì mục đích hòa bình. Hiệp ước nêu rõ, không có chuyện phân biệt giữa các quốc gia ký kết Hiệp ước trong việc phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình cũng như không hạn chế các nước phát triển vũ khí truyền thống.

Hơn thế nữa, Iran hoàn toàn có quyền sở hữu tên lửa để phòng vệ. Không có công ước quốc tế nào cấm một quốc gia phát triển tên lửa truyền thống. Cựu Đại sứ Anh tại IAEA từng tuyên bố :”Tổng thống Trump không có quyền nêu ra những giới hạn và hạn chế vượt khỏi những gì đã được quy định”.

Nếu Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện “tối hậu thư của mình” và chọn cách xé bỏ JCPOA, quyết định của ông sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn cả đối với toàn thế giới trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.

5 hệ lụy từ việc Mỹ xé bỏ JCPOA

Đầu tiên, tất cả các tổ chức chính trị của Mỹ, bao gồm Quốc hội và các cơ quan nằm dưới quyền điều hành của chính ông Trump như Hội đồng An ninh Quốc gia, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng đều phản đối hành động đơn phương rút khỏi JCPOA của ông Trump bởi họ tin rằng, điều này sẽ khiến chính nước Mỹ bị cô lập trên trường quốc tế.

Thứ 2, việc rút khỏi JCPOA sẽ khiến cộng đồng quốc tế thêm mất niềm tin vào Mỹ và khiến Triều Tiên từ chối đàm phán về một thỏa thuận tương tự. Washington cũng sẽ thấy khó khăn hơn trong việc tìm kiếm một tiếng nói ủng hộ việc phát động chiến tranh nhằm vào Triều Tiên.

Thứ 3, JCPOA được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc- trong đó có Mỹ- bảo trợ. Theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc, các nước thành viên đều phải có trách nhiệm thực thi các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Việc Mỹ vi phạm nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Hội đồng Bảo an và sẽ bị các thành viên khác chỉ trích là cố tình phá vỡ cơ chế đồng thuận.

Thứ 4, IAEA đã nhiều lần xác nhận việc Iran tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận JCPOA và nhấn mạnh rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng liên quan đến năng lực thanh sát của chính tổ chức này.

Cuối cùng, hầu hết các đồng minh của Mỹ như EU, Nhật Bản, Australia, Canada và Hàn Quốc đã phản ứng dữ dội trước việc Mỹ từ bỏ JCPOA. Điều này có thể khiến hệ thống liên minh do Mỹ đứng đầu rạn vỡ./.