Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Iran, cũng như những lời cáo buộc, đe dọa, đáp trả qua lại giữa Mỹ và Iran trong thời gian qua có thể là cái cớ để Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) trong vài ngày tới. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt câu hỏi liệu chính quyền của ông Donald Trump có thật sự sẽ đưa ra quyết định táo bạo này, khi mà phần nào thấy được những nguy cơ “nhãn tiền”?

bn_sh343_liondo_m_20170228222430_vzvh.jpg
Tổng thống Donald Trump phát biểu trước quốc hội. Ảnh: Wall Street Journal.

Quả bóng lại một lần nữa nằm trên sân của Tổng thống Donald Trump

Trước ngày 12/1 tới, Tổng thống Donald Trump sẽ phải quyết định liệu có chấm dứt tất cả chế tài trừng phạt đối với Iran hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (còn có tên gọi khác là Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA). Theo điều khoản quy định trong thỏa thuận, Mỹ tạm thu hồi và hoãn trừng phạt Iran trong thời gian một vài năm và định kỳ cứ 120 ngày, Mỹ lại phê duyệt chế tài trừng phạt quốc gia Trung Đông này.

Vào cuối 2017, Tổng thống Donald Trump không công nhận Iran tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân, đồng thời nhường quyền quyết định có nên tiếp tục thỏa thuận này hay không cho Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát. Trong 60 ngày, Quốc hội Mỹ sẽ phải quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận, vốn đã được Iran yêu cầu dỡ bỏ để đổi lại việc hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Quốc hội Mỹ vẫn chưa có động thái gì trong khi thời hạn chót đang đến gần và như vậy, quyền quyết định một lần nữa lại thuộc về phía Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo nếu Quốc hội không thực thi bất cứ hành động nào liên quan, ông sẽ đơn phương đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Tổng thống Donald Trump từng khẳng định ông mất hết sự kiên nhẫn đối với thỏa thuận mà ông cho là tồi tệ nhất trong lịch sử. Trong bài phát biểu ngày 13/10/2017, ông nhấn mạnh "Nếu chính phủ không thể đạt được một giải pháp chung với quốc hội và các đồng minh thì thỏa thuận này sẽ chấm dứt”.

Kịch bản Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và nguy cơ nhãn tiền

Nếu việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran xảy ra thì đây sẽ là một bước đi đầy thách thức, rủi ro đối với chính quyền Mỹ. Dù quyết định này có thể làm hài lòng những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, giúp ông thực thi cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử, song nó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.  

Nhiều cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Donald Trump và thành viên Quốc hội Mỹ từng cảnh báo rằng, việc hủy bỏ thành tựu của chính phủ tiền nhiệm sẽ không mang lại lợi ích cho nước Mỹ, mặt khác còn gây nhiều tổn thất về mặt ngoại giao. Trước hết đó là sự phá vỡ niềm tin của các nước đối tác, đặc biệt là các thành viên khác trong nhóm P5+1. Trên thực tế, các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và cả Nga, Trung Quốc đều ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân. Do đó, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận sẽ làm mất uy tín của nước này, gây khó khăn hơn cho Mỹ khi thuyết phục các đồng minh đối đầu với Iran, ông David Rothkopf, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins (Mỹ) nhận định.

Tiếp đến, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, thế giới sẽ phải chứng kiến một Trung Đông vốn đã nóng vì xung đột, đối đầu, khủng bố, lại càng thêm bất ổn bởi sự răn đe qua lại giữa Mỹ và Iran. Đặc biệt khi tình hình chiến sự tại Iraq, Syria đang đặt lực lượng của Mỹ và Iran vào những vị trí quá gần nhau để một cuộc xung đột có thể xảy ra. Bên cạnh đó, giới quan sát cũng lo ngại việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân sẽ gây khó khăn trong giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và khiến nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới bị đe dọa.

Iran sẽ làm gì nếu Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân?

Nhiều nhà quan sát cho rằng, Iran có thể tuyên bố Mỹ vi phạm thỏa thuận, do vậy nước này sẽ khôi phục lại chương trình hạt nhân, khởi động lại các lò phản ứng, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân. Điều đó dẫn đến nguy cơ xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới. Tuy nhiên, có vẻ như đây không phải là giải pháp an toàn đối với Iran.

Liên quan đến vấn đề này, ông Paul Pillar, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh, Đại học Georgetown, Mỹ nhận định, Iran có thể tiếp tục khiến JCPOA có hiệu lực bằng cách làm việc với các nước thành viên còn lại của nhóm P5+1. Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể phản đối bằng cách tận dụng đặc quyền của Bộ Tài chính Mỹ để ngăn cản các công ty và ngân hàng Châu Âu làm ăn với Iran nhưng những biện pháp này vẫn cần phải tuân theo các quy tắc của Châu Âu và chắc chắn các nước Châu Âu cũng không dễ gì khoanh tay đứng nhìn doanh nghiệp của mình bị thiệt hại do lệnh trừng phạt từ Mỹ. Về phía Iran, nước này có thể tìm ra một cơ chế hợp tác khác với Châu Âu để giảm thiểu thiệt hại. Trên thực tế, Iran hoàn toàn đủ khả năng xây dựng được mối quan hệ kinh tế với các thành viên khác của P5+1 tốt đẹp hơn và suôn sẻ hơn so với quan hệ mà nước này có với Mỹ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, từ lúc đặt bút ký thỏa thuận, Iran đã cân nhắc tất cả những thuận lợi và khó khăn, để đảm bảo vẫn thực thi nghiêm túc các điều khoản đưa ra mà không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Do đó, Iran chắc chắn sẽ không mạo hiểm chơi ván bài phát triển vũ khí hạt nhân. Bằng cách duy trì thỏa thuận JCPOA, Iran sẽ củng cố được vị thế của mình trong khu vực, có được sự ủng hộ của nhiều đối tác và bạn bè quốc tế. Khi đó không phải Iran mà chính Mỹ đang tự đẩy mình vào thế bị cô lập.

Ngoại trưởng Iran gặp cựu Ngoại trưởng Italy. Ảnh: Theiranproject.

Trên thực tế, Iran đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Trong cuộc hội đàm với cựu Ngoai trưởng Italy Massimo D’Alema bên lề Hội nghị an ninh 2018 tại thủ đô Tehran hôm 8/1, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hối thúc Liên minh Châu Âu thực hiện các bước đi thực tiễn để bảo vệ JCPOA. Theo kế hoạch, Iran sẽ tham dự cuộc họp bộ trưởng ngoại giao các nước E3 gồm Anh, Pháp, Đức, do Cao ủy Liên minh Châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini chủ trì tại Brussels, Bỉ, ngày 11/1 tới để thảo luận việc thực thi liên tục và đầy đủ thỏa thuận hạt nhân này./.