Ukraine muốn được Nga xóa nợ như phương Tây

Theo AFP, Chính phủ Ukraine cho Nga hạn chót đến ngày 29/10 để chấp thuận những điều khoản mà nước này đã thống nhất cùng các chủ nợ khác hoặc chấp nhận đưa vụ việc này ra tòa án quốc tế.

thu_tuong_ukraine_gyjl.jpg
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ra "tối hậu thư" cho Nga phải ra hạn khoản cho vay của Nga dành cho Ukraine như các chủ nợ khác. Ảnh AFP

“Hầu hết các chủ nợ của Ukraine đều chấp thuận xóa nợ cho Ukraine” Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố.

Theo đó, trong thỏa thuận mà Ukraine đạt được với các chủ nợ tại London ngày 14/10, Ukraine được xóa khoản nợ trị giá 3 tỷ USD và tái cấu trúc các khoản nợ sắp tới lên đến 8,5 triệu USD.

Trước đó, Ukraine dường như cũng đã tránh được nguy cơ vỡ nợ sau khi đạt được thỏa thuận cắt giảm 20% khoản nợ với 4 chủ nợ phương Tây vốn chiếm tới khoảng một nửa trong tổn số 18 tỷ USD các khoản vay thương mại đã đến hạn của nước này.

Mặc dù vậy, các điều khoản trong thỏa thuận này cũng phải được các chủ nợ thông qua và các chủ nợ này đều muốn đạt được những điều kiện có lợi hơn cho mình bởi họ sẽ phải chờ đợi lâu hơn để nhận được khoản tiền trả cho số tiền đầu tư của mình.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Nga, nước không đồng ý tham dự cuộc họp tại London.

Trước đó, Nga từng mua số trái phiếu Eurobond trị giá 3 tỷ USD từ thời của Tổng thống Viktor Yanukovych, chỉ vài tháng trước khi ông này bị lật đổ hồi tháng 2/2014. Nga khẳng định số trái phiếu mà họ mua không nằm trong thỏa thuận giữa Ukraine và các quốc gia phương Tây.

Nga muốn được thanh toán đầy đủ

Nga cũng đã từng lên tiếng sẽ kiện Ukraine lên một tòa án có trụ sở tại London và tòa án này có thể ra phán quyết rằng Ukraine chính thức vỡ nợ.

Phán quyết này nếu được đưa ra sẽ khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một trong các chủ nợ của Ukraine, gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn tiếp tục hỗ trợ cho nước này.

Phát biểu ngày 15/10, ông Yatsenyuk cảnh báo: “Hạn chót cho Nga là ngày 29/10”. Theo AFP, ngày 29/10 đánh dấu thời điểm các chủ nợ phải tính đến việc đảo nợ số trái phiếu Eurobond cũ và thay bằng các trái phiếu mới mà Ukraine phải trả trong giai đoạn 2019-2023.

Tuy nhiên, người phát ngôn Tổng thống Nga Putin, Dmitry Peskov, đã bác bỏ “tối hậu thư” này của ông Yatsenyuk.

“Nga sẽ không thay đổi quan điểm của mình liên quan đến khoản nợ của Ukraine.

Như Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov và Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố: Khoản nợ này là giữa các chính phủ với nhau”, ông Pesov khẳng định.

Dự kiến IMF vào tháng 11 tới sẽ ra phán quyết về việc Nga hay Ukraine đúng trong việc này.

Ukraine có quá ít lựa chọn

Trái phiếu Eurobond được Ireland phát hành và quyền đưa ra phán quyết liên quan đến trái phiếu này thuộc về Tòa án London.

Hiện vẫn chưa rõ liệu IMF và các chủ nợ quốc tế khác có thể tiếp tục cho Ukraine vay hay không nếu Tòa án London ra phán quyết nghiêng về phía Nga.

Trước đó, ngày 14/10, Tổng thống Nga Putin gợi ý IMF nên tiếp tục “bơm tiền” cho Ukraine để giải quyết vấn đề tranh chấp này.

“Sao IMF không bơm thêm 3 tỷ USD để Ukraine trả tiền cho Nga?”, ông Putin đặt ra câu hỏi này với Bộ trưởng Tài chính Nga trong một cuộc họp được truyền hình trực tiếp trên khắp cả nước.

Tổng thống Putin chủ trì cuộc họp với các quan chức Nga về khoản nợ của Ukraine. Ảnh AFP

Tuy nhiên, IMF chưa tiết lộ có cho Ukraine vay hay không và cũng không đưa ra phản ứng liên quan đến lời bình luận của Tổng thống Nga Putin.

Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, Ukraine không có nhiều lựa chọn:

“Ukraine không thể tiến hành kiện Nga vì số trái phiếu mà Nga đang nắm giữ. Chỉ có Nga được phép làm điều này nhất là nếu Ukraine không trả nợ đúng hạn”, bà Olena Bilan thuộc quỹ đầu tư Dragon Capital có trụ sở tại Kiev nhận định.

“Tuy nhiên, cũng tốt khi Ukraine sẵn sàng cho vụ kiện này. Điều này có nghĩa là Ukraine “nắm giữ một lá bài nào đó” để chống lại Nga”, bà Bilan kết luận./.