Không vạch rõ lằn ranh đỏ
Tại cuộc họp báo cách đây một vài ngày, một câu hỏi đã được đặt ra với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng, liệu chính quyền Tổng thống Biden có vạch rõ "lằn ranh đỏ" về vấn đề Ukraine hay không.
Tuy nhiên, ông Blinken đã không trả lời câu hỏi này. Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ chỉ nhận định: "Mỹ thực sự lo ngại về hành động quân sự bất thường của Nga ở biên giới với Ukraine". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trước câu hỏi tương tự cũng trả lời rằng, "bất kỳ hành động hung hăng hoặc leo thang căng thẳng nào đều là mối lo ngại lớn".
Không có lằn ranh đỏ nào được vạch ra cụ thể trong những tuyên bố chính thức từ phía Mỹ.
Các quan chức Mỹ thường tránh trả lời những câu hỏi về “lằn ranh đỏ”. Chính sách của chính quyền Tổng thống Biden về vấn đề Ukraine hiện vẫn mơ hồ. Các nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi liệu Tổng thống Biden có sẵn sàng đối đầu với Tổng thống Nga Putin về vấn đề Ukraine hay không, giữa bối cảnh mục tiêu của Mỹ với Nga hiện nay là phát triển một mối quan hệ ổn định và dễ đoán.
Trong một thông báo ngày 24/11, Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ "tái khẳng định cam kết của chúng tôi với người dân Ukraine và sự ủng hộ không thay đổi của chúng tôi với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Hiện nay, chính quyền Tổng thống Biden đang tập trung vào các kênh ngoại giao để ngăn cản các hành động của Nga. Một cuộc gặp Thượng đỉnh trực tiếp thứ hai giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đang được hai bên cân nhắc. Tuần trước, người phát ngôn điện Kremlin cho biết, Washington và Moscow đang thảo luận về hội nghị này.
Chính quyền Tổng thống Biden coi cuộc đối thoại với Tổng thống Putin có vai trò quan trọng để ngăn chặn Nga hành động chống lại Ukraine.
Cùng lúc đó, các quan chức Mỹ cũng đang hợp tác với các nước đối tác nhằm trừng phạt bất kỳ hành động nào của Nga mà họ cho là khiêu khích, trong đó có các lệnh trừng phạt mới về kinh tế.
"Chúng tôi đang làm việc với các quan chức ở châu Âu để hợp tác trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế", Andrea Kendall-Taylor, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ mới bình luận. Chuyên gia này cho biết, các biện pháp trên có thể bao gồm lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và các nhà sản xuất năng lượng của Nga, cũng như các khoản nợ chính phủ của nước này.
Các quan chức Mỹ và Anh cũng đã thảo luận về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với những nhân vật thân cận của Tổng thống Putin.
Một quan chức Ukraine cho biết, Mỹ đang cân nhắc tăng gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Chính quyền Tổng thống Biden sẽ chi hơn 400 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine vào năm nay. Dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn ngần ngại thảo luận về sự hỗ trợ của Washington do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga.
Phép thử cho sự đoàn kết của phương Tây
Fiona Hill, giám đốc cấp cao về Nga thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia nhận định, một trong những mục tiêu của Tổng thống Putin là tiến hành một thỏa thuận với Mỹ và loại bỏ sự tham gia của châu Âu.
"Tôi nghĩ Tổng thống Putin đã có sự tính toán rằng, phương Tây thiếu sự quyết tâm trong việc giải quyết vấn đề", bà Kendall-Taylor đánh giá, đồng thời cho biết nhà lãnh đạo Nga hiểu rõ Mỹ đang tập trung vào đối phó với Trung Quốc.
Nga không đe dọa tấn công quân sự Ukraine nhưng đã lên tiếng về những hành vi mà nước này cho là khiêu khích của Ukraine với lực lượng ly khai ở khu vực miền đông.
Giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã điện đàm với người đồng cấp Nga là Tướng Valery Gerasimov ngày 23/11. Trong một thông báo, Lầu Năm Góc cho hay cuộc điện đàm này được tiến hành nhằm làm giảm rủi ro và hạ nhiệt căng thẳng.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Mỹ đang cung cấp thông tin và dữ liệu cho Kiev về các hoạt động tăng cường lực lượng của Nga. Các quan chức phương Tây đã xác nhận rằng, các đồng minh NATO đang thúc đẩy việc chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine với hy vọng rằng sẽ hiểu hơn về các mối đe dọa đang gia tăng nhằm giúp Kiev chuẩn bị tốt hơn và đối phó với Moscow hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, thậm chí trong những kịch bản tồi tệ nhất, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, Kiev không mong đợi quân đội Mỹ sẽ phản ứng để hỗ trợ cho Ukraine.
Các quan chức Mỹ cho rằng, Tổng thống Putin vẫn chưa quyết định về việc liệu có hành động quân sự nhằm chống lại Ukraine hay không. Trong khi mối đe dọa này được cân nhắc nghiêm túc thì các quan chức cho biết, Mỹ và các đồng minh có đủ thời gian để chuẩn bị các khả năng cho Ukraine và thuyết phục Nga rằng việc hành động như vậy sẽ là sai lầm tồi tệ.
Dù Tổng thống Putin đang tính toán điều gì, việc quân đội Nga tăng cường lực lượng hiện nay có thể là phép thử cho khả năng sẵn sàng hành động của Mỹ, NATO và châu Âu.
"Việc Nga tăng cường lực lượng là một phép thử nhằm đánh giá châu Âu và Mỹ sẽ hành động như thế nào. Mục tiêu của Tổng thống Putin thông qua những động thái quân sự hiện nay là đánh giá sự quyết tâm của phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine", Martijn Rasser, cựu quan chức CIA và hiện là một quan chức cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới đánh giá./.