Tình hình bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày sau những tuyên bố ngày một quyết liệt từ phía Cộng hoà Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên. Song liệu nguy cơ chiến tranh có cận kề?
Tuyên bố của Triều Tiên
Hôm 30/3, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo: “vào thời điểm này, quan hệ liên Triều đã bước vào tình trạng chiến tranh và tất cả các vấn đề giữa hai miền Triều Tiên sẽ được giải quyết theo hình thức thời chiến”. Đồng thời thông báo này cũng cho biết, mọi hành động gây hấn gần biên giới giữa hai miền sẽ dẫn tới “một cuộc xung đột toàn diện và một cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, Triều Tiên đưa ra những tuyên bố cứng rắn như việc cắt đứt đường dây liên lạc quân sự với Hàn Quốc, đe doạ tấn công vào các mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc và trước đó Triều Tiên cũng đã tuyên bố Huỷ bỏ Hiệp định đình chiến được các bên ký kết sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953.
Khu công nghiệp Kaesong nằm trên lãnh thổ Triều Tiên, kề sát biên với với Hàn Quốc, nơi có nhiều người Hàn Quốc tới làm việc hàng ngày vẫn hoạt động bình thường (Ảnh Reuters) |
Những động thái này đang khiến dư luận hết sức lo ngại về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Khả năng xảy ra xung đột là điều mà không ít người đang lo ngại. Thậm chí, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng “tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Có thực sự đáng lo ngại?
Mặc dù dư luận cho rằng, những bước đi vừa qua của Triều Tiên không có gì mới, song điều khó đoán lại nằm ở nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể biết chắc được rằng diễn biến tình hình sẽ đi tới đâu. Vì thế có thể hiểu tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov như một lời cảnh báo để các bên liên quan không được chủ quan mà phải tích cực hơn nữa để tìm ra giải pháp hữu hiệu cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Trên thực tế, kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, đây không phải là lần đầu tiên tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng như vậy. Kinh nghiệm từ các lần trước cho thấy là tình hình rồi sẽ hạ nhiệt khi yêu cầu của các bên được đáp ứng. Căng thẳng là vậy song chiến tranh không phải là giải pháp mà các bên liên quan mong muốn. Vì thế, lần này, nhiều nhà quan sát cho rằng tình hình cũng không nằm ngoài quy luật đó. Điển hình là mặc dù xảy ra vụ một quả lựu đạn ném từ phía Hàn Quốc sang Triều Tiên vào sáng sớm ngày 27/3 nhưng không làm cho Triều Tiên mất bình tĩnh và hiểu lầm là hành động gây hấn để từ đó để khơi mào cho một cuộc chiến trên thực địa. Điều này cho thấy rõ ràng là Triều Tiên không phải đang đi tìm kiếm một lý do để gây chiến và nước này cũng rất tỉnh táo trước những động thái có thể gây hiểu lầm trong bối cảnh hiện nay.
Không chỉ riêng Triều Tiên, người ta cũng còn thấy sự điềm tĩnh trong các tuyên bố và cách hành xử của cả Hàn Quốc và Trung Quốc. Khu công nghiệp Kaesong nằm trên lãnh thổ Triều Tiên, kề sát biên với với Hàn Quốc, nơi có nhiều người Hàn Quốc tới làm việc hàng ngày vẫn hoạt động bình thường. Hàn Quốc thậm chí còn tiếp tục triển khai chương trình viện trợ cho Triều Tiên và tuyên bố sẽ xúc tiến đàm phán để nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong năm nay bất chấp những tuyên bố cứng rắn từ phía Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung Quốc- nước có nhiều ảnh hưởng ở Triều Tiên và có vai trò làm cầu nối giữa Triều Tiên với bên ngoài thì cũng mới chỉ ra tuyên bố kêu gọi “các bên liên quan cùng nỗ lực làm giảm căng thẳng hiện nay”. Đặc biệt, là nước láng giềng với Triều Tiên, chắc chắn Trung Quốc cũng cùng chia sẻ với Triều Tiên và Hàn Quốc mong muốn duy trì hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế khi mà Trung Quốc vẫn còn “bình chân như vại” còn Hàn Quốc vẫn tiếp tục các chương trình hợp tác nhân đạo, kinh tế với Triều Tiên thì có thể thấy là các bên vẫn chưa vượt qua giới hạn cuối cùng và chiến tranh vẫn chưa phải là giải pháp mà các bên tính đến hiện nay.
Triều Tiên thực sự muốn gì?
Vậy câu hỏi đặt ra là nếu không phải là chiến tranh thì động cơ thực sự của Triều Tiên trong tất cả những động thái này là gì?
Thứ nhất, có thể thấy rõ nhất đó là Triều Tiên mong muốn được đàm phán trực tiếp với Mỹ với tư cách là quốc gia hạt nhân. Triều Tiên không hề giấu giếm tham vọng này. Sau chuyến thăm Triều Tiên mới đây, vận động viên bóng rổ nổi tiếng của Mỹ Dennis Rodman đã thẳng thắn cho biết là Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ. Song rõ ràng đây là điều không dễ dàng bởi Mỹ luôn tuyên bố chỉ đàm phán với Triều Tiên khi nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân. Thế nhưng vụ thử hạt nhân lần thứ 3 vào tháng 2 vừa qua cho thấy rõ là Triều Tiên không hề từ bỏ tham vọng này, vì vậy khả năng đàm phán trực tiếp, công khai với Mỹ không phải là điều dễ dàng.
Thứ hai, dư luận cũng đặt ra khả năng là nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên gửi các thông điệp cứng rắn và coi đó như phép thử đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, để tìm hiểu quan điểm thực sự của nhà lãnh đạo mới Hàn Quốc trong chính sách đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quốc tế đang nói nhiều hơn cả và được dự đoán là có khả năng cao là nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng là để thể hiện tinh thần quyết quyết tâm cao, không nao núng trước sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. Mục tiêu cuối cùng của hành động này là tập hợp người dân cũng như các nhà lãnh đạo để cùng hướng về một mục tiêu, qua đó, củng cố tình đoàn kết nội bộ, gia tăng uy tín để thuận lợi trong việc lãnh đạo đất nước.
Vấn đề hiện nay là cần phải làm giảm mức độ căng thẳng nếu không sẽ ảnh hưởng tới bầu không khí hợp tác, đến những dự án lớn mà các bên liên quan đang nỗ lực xây dựng ở khu vực này. Hôm qua, Nga cho biết nước này vẫn đang liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan để ngăn chặn tình hình vượt qua phạm vi chính trị-ngoại giao. Và chắc chắn là không chỉ Nga mà các nước liên quan như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đang có nhiều nỗ lực nhằm làm dịu tình hình. Chưa rõ là khi nào tình hình sẽ lắng dịu song có thể thấy rằng bối cảnh hiện tại đặt ra nhu cầu cấp bách về một cách tiếp cận hiệu quả hơn để tránh cho bán đảo Triều Tiên rơi vào vòng luẩn quẩn như đã và đang diễn ra./.