mabini_lyvz_vpse.jpgHình ảnh bãi Gạc Ma bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng từ 25/2-11/3/2014 (Ảnh Phil Star)

TờPhilstar của Philippines mới đây đã dẫn báo cáo mật của Malacariang cho biết Trung Quốc đang có những động thái thay đổi hiện trạng tại 5 bãi đá này bao gồm Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất.

Báo cáo này cũng không loại trừ việc 3 bãi đá khác là Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn cũng đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng sau khi nước này hoàn tất việc xâm chiếm 5 bãi đá nói trên.

Philstar cho biết các quan sát viên của Philippines và quốc tế đều cho rằng việc mở rộng các đơn vị đóng quân của Trung Quốc trên những bãi đá này là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm tăng cường sức mạnh của mình trên biển.

Trước đó, tháng 3/2014, chính quyền Philippines đã tuyên bố rằng Trung Quốc đang có những động thái thay đổi hiện trạng bãi Gạc Ma.

Bộ Ngoại giao Philippines đã đưa ra những hình ảnh cho thấy một đơn vị đồn trú nhỏ của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma đã mở rộng diện tích đất tại đây lên 9ha chỉ trong vòng 2 năm qua.

Đã có những đồn đoán cho rằng Trung Quốc sẽ xây một đường băng trên bãi Gạc Ma và khi đường băng này được đưa vào sử dụng, Trung Quốc sẽ đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Một động thái khác cho thấy ý đồ của Trung Quốc nhằm thâu tóm Biển Đông là ngày 14/6, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trường học đầu tiên trên nơi gọi là "thành phố Tam Sa", đơn vị hành chính phi pháp mà nước này thành lập đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Công trình này dự kiến sẽ hoàn thành trong một năm rưỡi.

Trung Quốc thành lập "thành phố Tam Sa" bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 7/2012, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Việt Nam và các nước láng giềng trong khối ASEAN.

Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây, bao gồm một số công trình và các hạng mục sân bay, bến cảng. 

Đại sứ Lê Hoài Trung (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị (Ảnh TTXVN)

 

Những động thái đơn phương của Trung Quốc làm căng thẳng tình hình trên Biển Đông tiếp tục vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Trong bài phát biểu tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) diễn ra tại New York, Mỹ từ ngày 9-13/6, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc Lê Hoài Trungđã thông báo cho Hội nghị diễn biến nghiêm trọng trên Biển Đông thời gian gần đây do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và huy động hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự và máy bay, đâm va, phun vòi rồng vào các tàu dân sự của Việt Nam, thậm chí đâm chìm một tàu cá Việt Nam với 10 ngư dân trên tàu khi tàu đang hoạt động đánh bắt bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đại sứ đã lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước và đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Đại sứ Lê Hoài Trung nêu rõ các hành vi này đã vi phạm luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước, đi ngược lại Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Australia Tony Abbott, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, tuân thủ các luật quốc tế là điều quan trọng để giải quyết các bất đồng tại Biển Đông. Với tư cách là một nước mới nổi, Bắc Kinh cần phải giúp củng cố và tuân thủ các luật quốc tế cơ bản.

Ngày 12/6, nhóm thành viên của Đảng chính trị Akbayan đã đánh dấu các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh Philippines bằng cách tiến hành một cuộc biểu tình phản đối những động thái gây bất ổn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Liên Hợp Quốc cho biết sẵn sàng giúp giải quyết bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Một phiên họp SOM ASEAN ở Myanmar

Những diễn biến nguy hiểm trên Biển Đông xuất phát từ hành động đơn phương của Trung Quốc cũng là chủ đề được quan tâm tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Tại Diễn đàn này, các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, nhấn mạnh việc phải thực hiện kiềm chế, phê phán mạnh mẽ việc sử dụng những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế (LPQT), Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và tinh thần và lời văn của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế  và Công ước Luật biển 1982 và DOC, sớm đạt được Bộ quy tắc COC.

Máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc (Ảnh: Kyodo)

Không những liên tiếp có những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đang có những động thái làm nóng tranh chấp trên biển Hoa Đông với Nhật Bản. Ngày 12/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua để phản đối việc 2 máy bay tiêm kích Su-27 của Trung Quốc bay gần các máy bay Nhật Bản “một cách bất thường” trên vùng Biển Hoa Đông.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một trong 2 chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc đã bay sát máy bay trinh thám điện tử YS-11EB của Nhật Bản (chỉ cách 30m) trong khi một chiếc Su-27 khác áp sát một chiếc máy bay tuần tra OP-3C của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) chỉ khoảng 45m. Sự việc xảy ra trong Vùng nhận diện phòng không chồng lấn giữa hai nước tại khu vực biển Hoa Đông.

Các quan chức Nhật Bản khẳng định, các máy bay của nước này đang tham gia thực hiện nhiệm vụ giám sát bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong một diễn biến khác có thể khiến quan hệ Trung - Nhật thêm căng thẳng, báo Asahi Shimbun của Nhật ngày 14/6 dẫn nguồn tin Chính phủ cho hay, một tàu chiến của Trung Quốc ở biển Hoa Đông đã kích hoạt radar kiểm soát hỏa lực, một hành động chuẩn bị cho việc sẵn sàng khai hỏa nhằm vào tàu của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF).

Radar kiểm soát hỏa lực (FCR) được thiết kế để tính toán độ cao, tầm hoạt động và tốc độ của mục tiêu, qua đó đảm bảo rằng, khi khai hỏa sẽ bắn trúng mục tiêu đối phương.

Việc phía Trung Quốc kích hoạt FCR có thể được hiểu như một hành động khiêu khích. Tuy nhiên, vì không có bằng chứng đủ để kết luận Trung Quốc đã thực hiện hành động trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này.

Mối quan hệ Trung – Nhật trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, trong đó có cả một số đảo tranh chấp với Tokyo hồi cuối năm 2013. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên tiếng phản đối, không công nhận vùng nhận dạng này.

 

Quân đội Ukraine vẫn đang triển khai chiến dịch trấn áp lực lượng ly khai ở miền Đông (Ảnh: PressTV)

Tình hình tại Ukraine trong những ngày qua khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về nguy cơ nội chiến sẽ bùng phát và bất ổn vẫn chưa thể chấm dứt tại quốc gia Đông Âu này.

Ngày 11/6, tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đưa ra tuyên bố cho rằng, ông sẵn sàng đàm phán với lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông nếu lực lượng này đồng ý hạ vũ khí. 

Sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine hôm 7/6, ông Poroshenko đã cố gắng đẩy nhanh các hoạt động nhằm nỗ lực giải quyết tình hình bất ổn hiện nay ở miền Đông, trong đó ông không loại trừ khả năng tổ chức các cuộc đàm phán “bàn tròn” với nhiều “bên khác nhau”.

Tuy nhiên, diễn biến tại Ukraine trong những ngày qua cho thấy còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xung đột Đông - Tây và nguy cơ chia rẽ đang ngày một lớn. Ngày 14/6, lực lượng ly khai tại Lugansk đã xác nhận rằng họ đứng đằng sau vụ bắn hạ chiếc máy bay vận tải quân sự Il-76 của quân đội Ukraine khi nó chuẩn bị hạ cánh xuống một sân bay tại đây, khiến 49 binh sĩ thiệt mạng. Đây được cho là vụ tấn công đẫm máu nhất tại miền Đông Ukraine, kể từ khi xung đột nổ ra giữa quân đội chính phủ và các tay súng ly khai.

Ngày 14/6, nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cũng cho biết, lực lượng tự vệ địa phương đã bắn rơi một chiếc máy bay cường kích Su-24 của quân đội Ukraine tại thành phố Golovka, vùng Donetsk.

Quân đội Ukraine hôm 14/6 cáo buộc, vũ khí mà lực lượng ở miền Đông dùng để bắn hạ máy bay của Chính phủ làm 49 người thiệt mạng có nguồn gốc từ Nga. 

Trước đó, Bộ Y tế Ukraine ngày 13/6 công bố một báo cáo cho biết, chiến dịch quân sự của Chính phủ Ukraine nhằm trấn áp người biểu tình ở khu vực miền Đông nước này đã làm ít nhất 257 người thiệt mạng, 1.300 người bị thương và làm bùng phát cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia Đông Âu này.

Theo các nhà phân tích, dù sáng kiến giải quyết khủng hoảng của tân Tổng thống Ukraine phần nào đã đáp ứng được mong đợi của quốc tế, song chỉ điều này thôi là không đủ. Chấm dứt khủng hoảng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng với tân Tổng thống Petro Poroshenko. Ông sẽ phải nỗ lực rất nhiều để lấy được lòng tin của người dân, cũng như dung hòa được các lợi ích Đông- Tây đang gây chia rẽ đất nước nghiêm trọng.

Một nhóm Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq (Ảnh: AP)

Tình hình an ninh tại Iraq đang xấu đi một cách nhanh chóng. Ngày 11/6, binh sỹ quân đội Iraq tại thành phố Mosul đã cởi bỏ quân phục và rút khỏi vị trí chiến đấu của mình. Điều này đồng nghĩa với việc thành phố lớn thứ 2 tại Iraq đã rơi vào tay phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIL).

Thành phố Hồi giáo Mosul thuộc tỉnh Nineveh nằm cách thủ đô Baghdad 350km về phí Bắc từ lâu đã là thành trì vững chắc cho nhóm phiến quân. Nhóm phiến quân đã chiếm được trụ sở chính quyền tỉnh và sở chỉ huy các hoạt động quân sự tại Neneveh cũng như sân bay tại đây và phóng thích hàng trăm tù nhân.

Theo giới quan sát, chính quyền Iraq đang tăng cường khả năng phòng thủ tại Baghdad đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ Mỹ để đối phó với phiến quân. Chính phủ Iraq đã chính thức yêu cầu Washington điều chiến đấu cơ và máy bay không người lái đến giúp đỡ. Giới phân tích cho rằng, diễn biến trên càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa các Bộ tộc Sunni, Shiite và Kurd.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng khi gặp Thủ tướng Australia Tony Abbott, Tổng thống Obama nói: Mỹ có lợi ích trong việc không để các phần tử thánh chiến Hồi giáo tạo dựng được một thành trì ở Iraq. Ông còn tuyên bố, Mỹ sẵn sàng hành động quân sự khi các lợi ích an ninh quốc gia của Washington bị đe dọa.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng thận trọng, khi ông nói rằng: “ông cần thêm thời gian để quyết định Washington sẽ hỗ trợ Iraq như thế nào nhưng loại trừ khả năng gửi các binh sĩ trở lại”.

Trong một động thái mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ra lệnh cho1 tàu sân bay di chuyển đến vùng Vịnhvà sẵn sàng chờ lệnh để hành động nếu Washington quyết định chọn phương án can thiệp quân sự để truy quét phiến quân ở Iraq. 
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, “mệnh lệnh này sẽ cho Tổng Tư lệnh có thêm sự linh hoạt trong việc lựa chọn phương án quân sự cần thiết để bảo vệ công dân Mỹ cũng như lợi ích của Mỹ ở Iraq”. 
 Khói bốc lên từ sân bay Jinnah sau vụ tấn công của Taliban (Ảnh: AP)

Tối 8/6, các tay súng được vũ trang hạng nặng đã tấn công sân bay Jinnah khiến tất cả các chuyến bay đi và đến sân bay này bị đình chỉ. Những kẻ tấn công đã xông vào khu vực sân bay qua khu vực hành lang nơi các nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ và xả súng vào họ. Các đối tượng trên cũng đã châm lửa đốt một kho dầu và tòa nhà tại sân bay.

Những kẻ tấn công đều được trang bị rocket, lựu đạn, súng tự động và nhiều trang thiết bị quân sự khác. Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã gọi điện cho những người đứng đầu ngành an ninh nước này và yêu cầu họ đẩy nhanh chiến dịch chống khủng bố, đảm bảo an toàn cho các hành khách và nhân viên tại sân bay.

Sau vụ tấn công này, 23 thi thể đã được đưa tới bệnh viện. Trong số này có 13 người là của Cục Hàng không Dân dụng Pakistan và Hãng hàng không quốc gia Pakistan International Airlines và 10 kẻ tấn công.

Lực lượng Taliban tại Pakistan ngày 9/6 đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào sân bay quốc tế Jinnah, tại thành phố cảng Karachi, Pakistan xảy ra trước đó một ngày.

Ngoài ra, lực lượng phiến quân Taliban cũng đã tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công ngày 10/6, nhằm vào Học viện an ninh tại sân bay Karachi. Vụ tấn công xảy ra 48 giờ sau vụ tại sân bay quốc tế Jinnah cũng ở Karachi, làm 37 người thiệt mạng. Loạt vụ tấn công đã phá hủy những triển vọng đàm phán hòa bình giữa chính phủ của Thủ tướng Sharif và phiến quân Taliban.

Sau khi xảy ra 2 vụ tấn công tại Karachi, quân đội Pkistan đã tiến hành chiến dịch không kích vào các vị trí của phiến quân. Nguồn tin tình báo Pakistan sáng 15/6 cho biết, các vụ không kích đêm 14/6 tại vùng bộ lạc phía Tây Bắc Pakistan giáp với Afghanistan đã làm 100 phiến quân thiệt mạng./.