Gần 1 tuần sau khi ông Petro Poroshenko tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine, tình hình tại quốc gia Đông Âu này đang cho thấy những dấu hiệu được cải thiện, với việc tiếp tục các cuộc đàm phán về khí đốt giữa Nga và Ukraine nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, cũng như cam kết của chính quyền mới thực thi kế hoạch hòa bình được quốc tế đánh giá là tích cực.

ukraine_nqvy.jpg 

Quân đội Ukraine tiếp tục thực hiện chiến dịch trấn áp lực lượng ly khai ở miền Đông (Ảnh: AP)

Ngày 11/6, tại thủ đô Brussels, Bỉ tiếp tục các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine về khí đốt. Ủy viên châu Âu về năng lượng Gunther Oettinger đã tỏ ra khá lạc quan khi khẳng định, trong vài ngày tới sẽ đạt được một thỏa thuận về vấn đề này trong khuôn khổ các cuộc đàm phán 3 bên với các đại diện Nga và Ukraine. Mục đích của cuộc thảo luận là nhằm tìm kiếm một sự nhất trí về giá khí đốt, cũng như các khoản nợ mà Ukraine phải trả cho phía Nga.

Các cuộc gặp trước đó diễn ra tối 09/06 kết thúc sau 8 giờ đàm phán căng thẳng mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Tới nay, Ukraine vẫn từ chối thanh toán các khoản nợ khí đốt (hiện đã tăng lên 4,5 tỷ USD) cho Nga, đồng thời yêu cầu Nga giảm 1 nửa giá khí đốt bán cho nước này. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định sẽ duy trì mức giá như hiện nay chừng nào các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều các nỗ lực của chính quyền Ukraine nhằm làm dịu căng thẳng trong nước. Trước đó, sau các cuộc đàm phán với Nga dưới sự trung gian của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng đã ra lệnh thiết lập các hành lang nhân đạo cho phép người dân rời các khu vực chiến sự. Từ giữa tháng 4/2014, các lực lượng an ninh Ukraine đã tiến hành một chiến dịch quân sự mà theo chính quyền nước này là "nhằm chống khủng bố” tại miền Đông. Xung đột giữa quân đội và các lực lượng đòi ly khai tại khu vực đã làm hơn 200 người thiệt mạng.

Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski ở Saint- Petersbourg, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố, tất cả các bên đã sẵn sàng hành động nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ông Steinmeier nhận định: “Không thể nói rằng, chúng ta đã tìm ra được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, song sự leo thang căng thẳng đã nhường chỗ cho một bầu không khí mới, có thể nói là đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.

Chỉ 4 ngày sau cuộc gặp ngắn nhưng có ý nghĩa với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Pháp, ông Poroshenko dường như đang muốn nhanh chóng làm dịu căng thẳng với Nga và đã đặt ra mục tiêu 1 tuần để khôi phục ổn định tại miền Đông. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Time của Mỹ, tân Tổng thống Ukraine tuyên bố, không thể khôi phục an ninh tại Ukraine mà không đối thoại với Nga.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù sáng kiến giải quyết khủng hoảng của tân Tổng thống Ukraine phần nào đã đáp ứng được mong đợi của quốc tế, song chỉ điều này thôi là không đủ. Các tổ chức phi chính phủ vẫn báo cáo tình trạng quân đội Ukraine sử dụng vũ khí hạng nặng tấn công những khu vực đông dân cư. Trong một phát biểu ngày hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Nga hoan nghênh cách tiếp cận của tân Tổng thống Ukraine, song đây mới chỉ là một trong những bước đi đúng đắn cần thực hiện.

Ông Lavrov nói: “Cũng giống như nhiều nước khác, chúng tôi tin rằng, đây chỉ là một trong số những bước đi đúng đắn mà Ukraine phải thực hiện. Dù có những cách giải thích hay diễn đạt khác nhau về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, song rõ ràng, việc cần làm lúc này đó là ngừng bắn vô điều kiện, cũng như chấm dứt việc sử dụng sức mạnh quân sự và bắt đầu đối thoại với tất cả các khu vực tại Ukraine”.

Trong khi đó, lãnh đạo, cũng như người dân ở các khu vực miền Đông đòi ly khai lại vẫn tỏ ra hoài nghi về kế hoạch giải quyết khủng hoảng của tân Tổng thống. Theo họ, những gì ông Poroshenko nói là rất thú vị, song việc thực thi kế hoạch lại là một vấn đề khác. Điều này một lần nữa cho thấy, chấm dứt khủng hoảng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng với tân Tổng thống. Ông phải nỗ lực rất nhiều để lấy được lòng tin của người dân, cũng như dung hòa được các lợi ích Đông- Tây đang gây chia rẽ đất nước nghiêm trọng./.