Trong khi đó, công cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhận được thêm nhiều sự ủng hộ của các nước.   

Ngày 13/6, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã có công hàm phúc đáp, sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia gửi công hàm thông báo về tình hình trên Biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc (trái) phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam (Ảnh AP)

 

Công hàm phúc đáp bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc về những diễn biến và các sự cố gần đây” trên Biển Đông. Công hàm nêu rõ, với tư cách là nước khởi xướng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), Campuchia đề cao tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông.

Công hàm nhấn mạnh, Campuchia ủng hộ các bên liên quan thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, bao gồm cả các yếu tố chính trị lẫn pháp lý, nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.

Công hàm đồng thời bày tỏ tin tưởng các bên liên quan sẽ nỗ lực không mệt mỏi để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam tiếp tục nhận được thêm nhiều ủng hộ của quốc tế trong việc đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn nhận định của ông Alexander Vuving, một chuyên gia phân tích về an ninh ở Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Hawaii (Mỹ), cho rằng, ngoài các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục nhận được thêm sự ủng hộ từ bên ngoài khu vực.

Theo ông, Ấn Độ dù ở cách xa Việt Nam nhưng cũng đã tỏ ý ủng hộ Việt Nam và vì thế, nhìn vào lợi ích cốt lõi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, ông cho rằng Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, nhất là Philippines, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.

Phân tích thêm về lợi thế của Việt Nam trong việc huy động sự ủng hộ của quốc tế trước hành động sai trái của Trung Quốc, Tiến sỹ Edward Miller, giảng viên về lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ và lịch sử Việt Nam tại Đại học Dartmouth, bang New Hamshire của Mỹ cho biết, ở Mỹ, ở châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới, nhiều người theo dõi hành động của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông, mà cả trong cách họ xử lý vấn đề tranh chấp với Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông.

Ông Miller nói rằng, dư luận nhận thấy Trung Quốc đang theo đuổi chính sách bành trướng trên biển, và chính điều này khiến nhiều người nghi ngờ về Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. Đó có thể là lợi thế cho Việt Nam khi tìm cách huy động sự ủng hộ của quốc tế, đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Ông Miller cũng nhận định hiện ASEAN đang tìm cách khuyến khích Trung Quốc ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và cho rằng những nỗ lực này cần được tiếp tục.

Đánh giá về cuộc giao lưu mới đây ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam giữa hải quân Philippines và Việt Nam, tờPhil Stardẫn lời các quan chức Philippines cho rằng, cuộc giao lưu cho thấy những tranh chấp hàng hải có thể được hóa giải theo cách hòa bình. Sự kiện này là một thành công lớn vì cả hai bên gác lại mọi bất đồng, hợp tác với nhau trong tất cả các hoạt động.

Còn theo hãng tin PhápAFP, người phát ngôn Hải quân Philippines Edgard Arevalo cho biết, sự kiện sắp tới sẽ do Manila chủ trì vào đầu năm 2015.

Hải quân hai nước có thể duy trì các hoạt động tương tự nhằm thúc đẩy quan hệ tốt đẹp, thân thiện với các nước láng giềng. Các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, có thể tham gia vào những hoạt động giao lưu này, ông Arevalo nói thêm./.