Liên tiếp sau những động thái gây căng thẳng trên Biển Đông, ngày 25/6 vừa qua, Trung Quốc thông báo rằng giàn khoan Hải Dương 981 đã quay trở lại Biển Đông và sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển có tọa độ 17 độ, 3,75 phút vĩ Bắc; 109 độ 59,05 phút kinh Đông.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí đến vị trí nằm trong vùng chồng lấn ở vịnh Bắc Bộ mà hai nước đang đàm phán phân chia ranh giới được xem là một hành vi đơn phương vi phạm luật quốc tế và thỏa thuận với Việt Nam. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ về nội dung này.
Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ |
PV:Thưa ông, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại và hoạt động tại vùng chồng lấn ở cửa Vịnh Bắc Bộ mà hai nước đang đàm phán phân chia ranh giới. Điều này có vi phạm tinh thần các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước những năm qua hay không?
TS. Trần Công Trục: Theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Vùng chồng lấn được tạo thành bởi phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai quốc gia ven biển đối diện hay liền kề nhau.
Nếu trong khi đàm phán mà chưa có được thỏa thuận cuối cùng thì không bên nào được tự ý đơn phương tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác hay bất kỳ hoạt động nào để khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trong toàn bộ khu vực chồng lấn này.
Theo quy định, nếu muốn có bất kỳ một hoạt động thăm dò, khai thác về mặt kinh tế hay khoa học thì phải được thỏa thuận giữa hai bên về một giải pháp tạm thời có tính thực tế ở vùng chồng lấn. Và khi áp dụng giải pháp này không làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán, phân định theo nguyên tắc công bằng.
Trong trường hợp này, rõ ràng khu vực Cửa vịnh Bắc bộ là vùng chồng lấn mà 2 bên đang tiến hành đàm phán, chưa có đường phân định cuối cùng. Cho nên việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan 981 vào vùng biển này là hoàn toàn trái với Công ước Luật Biển và trái với những thỏa thuận giữa hai bên đang xúc tiến để đạt được đàm phán.
PV:Năm ngoái, Trung Quốc cũng đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời với việc xây dựng và cải tạo ồ ạt các đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào là cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ để đạt được mục tiêu “độc chiếm Biển Đông” đúng không, thưa Tiến sĩ Trần Công Trục?
TS. Trần Công Trục: Năm ngoái Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để “dương đông kích tây”, nhằm che đậy hoạt động xây dựng, cải tạo đảo đá phi pháp ở Trường Sa. Tuy nhiên, với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trở lại lần này, tôi cho rằng không phải là “Dương đông kích tây” nữa mà là cùng một lúc Trung Quốc thực hiện nhiều mũi công kích để đạt được âm mưu “độc chiếm Biển Đông” mà nước này đã đặt ra nhiều năm nay.
Giàn khoan Hải Dương- 981 (ảnh: Tiền Phong) |
Điều chúng ta cần lưu ý ở đây, vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan rất gần với Quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gọi là Tây Sa – Quần đảo mà nước này đã dùng vũ lực đánh chiếm trái phép của Việt Nam từ năm 1974 đến nay. Trung Quốc tính toán vị trí hạ đặt như vậy nhắm đến hai ý đồ rất nguy hiểm.
Trường hợp thứ nhất, nếu Việt Nam không có phản ứng gì thì có nghĩa là chúng ta hoàn toàn thừa nhận Tây Sa là của Trung Quốc mà không cần đến quá trình đàm phán như ý định của họ.
Thứ 2 nếu ta phản đối rằng vùng hạ đặt này liên quan đến Quần đảo Hoàng Sa, thì vô hình chung chúng ta thừa nhận về mặt pháp lý, quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Như vậy, rất thuận lợi để Trung Quốc nói rằng họ có quyền sử dụng các quần đảo ở Biển Đông để đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, chứng minh cho tính hợp lý, hợp pháp của đường lưỡi bò. Đây là toan tính rất nguy hiểm của Trung Quốc ở khu vực này.
PV:Theo ông, Việt Nam cần có ứng xử như thế nào đối với những hành động này của Trung Quốc?
TS. Trần Công Trục: Theo tôi Việt Nam nên chính thức lên tiếng phản đối các hành động nói trên của Trung Quốc. Họ đơn phương hành động, đơn phương vi phạm những thỏa thuận của hai nước, vì vậy chúng ta cần lên tiếng để bảo vệ quyền của mình đối với vùng chồng lấn. Đồng thời nhắc nhở Trung Quốc về việc làm vi phạm Công ước Luật Biển và thỏa thuận của đôi bên. Tất nhiên là phải dưới hình thức thích hợp vì đây là khu vực biển chồng lấn.
Lâu dài hơn nữa tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng của ta với tính chất phức tạp, nhạy cảm ở khu vực Biển Đông nên có phương án cụ thể để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, bảo vệ các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chính chúng ta. Đồng thời tránh đi những cái bẫy pháp lý mà Trung Quốc đang cố tình giăng ra để gây bất lợi cho chúng ta trong quá trình đàm phán trực tiếp. Kể cả vấn đề chúng ta chuẩn bị những tài liệu cần thiết cho việc đưa vụ việc tranh chấp ra ánh sáng của luật pháp quốc tế. Đây là những việc làm quan trọng, cần thiết trong tình huống hiện nay của Việt Nam.
**Xin trân trọng cảm ơn TS. Trần Công Trục./.