Đó là nhận định của ông Greg Poling, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ trong cuộc trao đối với phóng viên VOV về việc Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn tất bồi đắp đảo tại Biển Đông. 

chuyen_gia_my_trung_quoc_kho_thiet_lap_adiz_bien_dong_hinh_anh_qixm.jpg
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Greg Poling, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ 

PV: Trung Quốc vừa tuyên bố sắp hoàn tất việc bồi đắp đảo tại Biển Đông, theo ông thì tuyên bố này chỉ nhằm tạm thời giảm căng thẳng trước đối thoại Mỹ-Trung hay nó cho thấy một sự thay đổi nào đó trong cách tiếp cận của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?

Ông Greg Poling: Một số phương tiện thông tin đại chúng và nhà phân tích đã hiểu sai rằng việc Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn tất việc bồi đắp đảo có nghĩa là họ sẽ ngừng hoạt động này nhưng thực tế là không phải như vậy.

Có lẽ tuyên bố của Trung Quốc chỉ nhằm tạm thời làm giảm căng thẳng trước thềm đối thoại chiến lược Mỹ-Trung cũng như một loạt các cuộc họp thượng đỉnh sắp tới tại châu Á như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á…chứ không thể hiện bất kỳ sự thay đổi nào trong mục tiêu chiến lược của họ.

Mùa hè là khoảng thời gian mà Trung Quốc thường tìm cách “hạ nhiệt” để tránh bị lên án tại các diễn đàn quốc tế. Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ ngừng bất cứ việc gì. Họ đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành việc bồi đắp tại 5 trong số 7 thực thể đang chiếm giữ tại Biển Đông và thông điệp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy rõ là họ sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các thực thể này.

Có vẻ như Trung Quốc sẽ xây sân bay thứ 2 tại bãi Subi và do vậy sẽ tiếp tục bồi đắp cho đến khi đạt đủ diện tích như mong muốn rồi sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn 2, tức là sẽ xây dựng các cơ sở với quy mô lớn.

PV: Ông vừa nói là không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong vấn đề bồi đắp đảo, vậy mục tiêu đó của họ là gì?

Ông Greg Poling: Có lẽ mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là nhằm tăng cường sức mạnh của họ tại khu vực quần đảo Trường Sa. Đảo Hải Nam nằm cách Trường Sa hàng trăm dặm, khiến khả năng tuần tra cũng như khai thác thủy sản của Trung Quốc bị hạn chế tại khu vực Trường Sa.

Với việc bồi đắp và xây dựng các tiền đồn tại Biển Đông, Trung Quốc sẽ đưa thêm tàu thuyền, máy bay vào hoạt động tại khu vực này và cuối cùng thì họ sẽ tìm cách kiểm soát trên thực tế đối với các thực thể địa lý trên.

PV: Vậy sau khi hoàn thành bồi đắp và xây dựng cơ sở trên các thực thể tại Biển Đông, liệu Trung Quốc có tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông như đã làm tại biển Hoa Đông hay không, thưa ông? 

Ông Greg Poling: Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Có thể kế hoạch tuyên bố ADIZ đã nằm trong toan tính bồi đắp đảo của Bắc Kinh hoặc Bắc Kinh sẽ chỉ làm việc này nếu cảm thấy cần thiết.

Việc tuyên bố ADIZ tại biển Hoa Đông vào cuối năm 2013 đã khiến Bắc Kinh gặp lúng túng và khá mất mặt. Ngay sau tuyên bố của Trung Quốc, Mỹ lập tức đưa máy bay ném bom B52 vào khu vực này, Nhật Bản cũng lập tức phản đối và liên tục phớt lờ tuyên bố của Bắc Kinh, thậm chí các hãng hàng không thương mại lớn của Nhật Bản cũng coi như không có vùng ADIZ.

Hàn Quốc cũng hành động như vậy. Với hệ thống phòng không, không quân rải dọc suốt bờ biển mà Trung Quốc còn không thể thực thi được ADIZ tại biển Hoa Đông thì làm sao họ có thể làm được điều này tại Biển Đông với chỉ một hoặc hai sân bay tại Trường Sa.

PV: Nhưng nếu Trung Quốc vẫn tuyên bố ADIZ tại Biển Đông thì sao?

Ông Greg Poling: Chắc chắn điều này chỉ khiến căng thẳng gia tăng. Nếu Trung Quốc vẫn tuyên bố ADIZ tại Biển Đông thì chỉ ngay hôm sau Mỹ sẽ đưa máy bay vào khu vực này với lập luận đây là khu vực biển tranh chấp. Không chỉ Mỹ mà Việt Nam, Philippines, có thể cả Australia, Indonesia và các nước đối tác khác cũng sẽ phớt lờ ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố.

PV:Trong trường hợp Trung Quốc tuyên bố ADIZ tại Biển Đông, họ sẽ phản ứng thế nào nếu bị các bên phớt lờ?

Ông Greg Poling: Trường hợp ADIZ tại Biển Hoa Đông năm 2013 đã chứng minh rằng Trung Quốc không thể làm được gì nhiều. Có thể là một vài hãng hàng không thương mại sẽ tuân thủ vùng ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố vì lý do an toàn nhưng chắc chắn các máy bay quân sự sẽ phớt lờ.

Tôi cho rằng các hãng hàng không lớn của Việt Nam, Philippnes, Indonesia và có thể cả Singapore sẽ từ chối tuân thủ vùng ADIZ này. Nếu Trung Quốc lấy việc tuyên bố ADIZ để thể hiện rằng họ đang thực thi quyền tài phán tại Biển Đông thì đó là một sai lầm vì tất cả các nước đều coi ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố là điều giả tưởng và không ai tuân thủ nó cả.

PV: Vậy các bên liên quan cần phải làm gì để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc?

Ông Greg Poling: Trước hết chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc đã hoặc sắp hoàn tất việc bồi đắp tại 7 thực thể địa lý tại Biển Đông. Sẽ không có chuyện họ đổ cát trở lại biển đâu.

Vấn đề hiện nay không phải là làm thế nào để ngăn chặn hoạt động bồi đắp của Trung Quốc. Nếu muốn ngăn chặn thì đáng ra chúng ta cần phải làm từ cách đây vài năm trước khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp chứ không phải chờ đến khi sự đã rồi.

Nếu Trung Quốc dự định tiếp tục mở rộng bồi đắp thì họ phải chiếm được những thực thể hiện chưa có người ở vì toàn bộ 7 thực thể mà họ chiếm giữ tại Biển Đông đã và đang được bồi đắp.

Ông Greg Poling trả lời phòng vấn phóng viên VOV

Trong trường hợp Trung Quốc thực sự làm như vậy thì đó sẽ là sự thay đổi căn bản về nguyên tắc vì điều duy nhất mà Tuyên bố về hành xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 nghiêm cấm là việc chiếm hữu các thực thể không có người ở. Do vậy mà điều chúng ta cần làm hiện nay là khiến Trung Quốc hiểu rõ rằng họ đang gây căng thẳng, không giúp ích gì cho tình hình khu vực và họ không được đi xa hơn nữa.

PV: Có nghĩa là chúng ta chỉ cần ngồi một chỗ và thuyết phục họ?

Tôi không cho là như vậy. Chúng ta cần gây sức ép tối đa lên Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải làm rõ cơ sở của những đòi hỏi mà họ đưa ra. Đó là lý do mà Mỹ liên tục đề cập đến vấn đề tự do hàng hải, trong đó có việc đi lại trong khu vực 12 hải lý xung quanh ít nhất 2 thực thể chìm dưới mặt biển vào lúc thủy triều lên trước khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp, vì đây không phải là đảo đá theo đúng quy định luật pháp. Việt Nam hay Philippines cũng cần làm như vậy. Chúng ta cần tìm kiếm những cơ hội để thách thức các yêu sách của Trung Quốc một cách hòa bình.

Nếu Bắc Kinh phản đối thì họ sẽ tự đặt mình vào thế khó vì họ sẽ phải đưa ra lý do, cơ sở pháp lý để biện hộ. Theo tôi thì đó là giải pháp tối ưu hiện nay. Dù không đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ làm rõ những đòi hỏi của họ nhưng điều này sẽ buộc Trung Quốc trả giá ngày một lớn, công luận sẽ quay lưng lại Bắc Kinh.

Cách duy nhất để có thể đạt được một giải pháp hòa bình lâu dài là Trung Quốc hiểu rằng họ sẽ mất nhiều hơn trong hệ thống quốc tế so với lợi ích đạt được với những đảo hoặc bãi ngầm tại Biển Đông./.