Lý do Ấn Độ tiếp tục mua dầu khối lượng lớn từ Nga
Những tuần qua, Ấn Độ bỏ qua những lời đề nghị thẳng thừng của Mỹ về việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga nhằm hỗ trợ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đây có thể coi là động thái khá cương quyết của Ấn Độ trước áp lực của Mỹ, đối tác cũng rất quan trọng của New Delhi.
Có nhiều lý do để Ấn Độ chấp nhận mạo hiểm để tiếp tục làm ăn với Nga trong thương vụ dầu mỏ này. Trước hết, là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, với dân số gần 1,4 tỷ người, nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ của Ấn Độ đặc biệt lớn. Nước này hiện là nhà tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới với nhu cầu ngày càng tăng. 80% lượng dầu tiêu thụ của Ấn Độ là nhập khẩu.
Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng tiêu thụ dầu thô của Ấn Độ vào khoảng 4,8 triệu thùng/ngày năm 2019, và tiếp tục tăng lên 7,2 triệu thùng vào năm 2030; 9,2 triệu thùng vào năm 2050. Điều này khiến Ấn Độ phải lo toan tìm kiếm các nguồn cung mới, có giá cả và điều khoản thanh toán hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế đang tăng trưởng của mình. Việc Ấn Độ phải dừng mua dầu của Iran và Venezuela do các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng buộc nước này phải tăng cường tự chủ nguồn cung dầu.
Thứ hai, hợp đồng mua dầu mà Ấn Độ đang đàm phán với Nga có cả điều khoản ưu đãi về giá, với mức giảm giá khá hấp dẫn. Đây là cơ hội để Ấn Độ tranh thủ nhằm có thêm nguồn dự trữ mặt hàng chiến lược này. Nó cũng giảm bớt các tác động của giá dầu tăng cao thời gian qua lên nền kinh tế Ấn Độ. Việc tăng cường mua dầu của Nga trong bối cảnh Moscow đang chịu sự phong tỏa trừng phạt của phương Tây cũng là cách Ấn Độ củng cố mối quan hệ chiến lược lâu đời với Nga.
Những lo ngại của Mỹ
Về phía Mỹ, một trong những lo lắng nhất của Washington là việc New Delhi chấp nhận thanh toán dầu bằng đồng rúp cho Moscow, đồng nghĩa với việc dần giảm giá trị đồng USD trên toàn cầu.
Là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, nhưng trước đây nhập khẩu dầu từ Nga chỉ chiếm tỷ trọng từ 2-5% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ hàng năm. Kể từ đầu tháng 3/2022, 5 chuyến tàu chở dầu của Nga, tương đương 6 triệu thùng, đã được vận chuyển đến Ấn Độ và bằng một nửa tổng lượng dầu Nga xuất sang Ấn Độ trong cả năm 2021.
Có hai lý do chính giải thích cho điều này. Thứ nhất, về truyền thống, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu dầu từ Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nigeria, nhưng giá dầu tại các thị trường này đang được chào bán với mức cao hơn. Thứ hai, dầu thô Urals đang được chiết khấu với mức giá kỷ lục là 20% và với thời giá hiện hành Ấn Độ sẽ tiết kiệm được khoảng 20 USD mỗi thùng. Do vậy, thật khó để Ấn Độ không tranh thủ mức chiết khấu đó trong bối cảnh nước này phải nhập khẩu từ 80-85% lượng dầu hàng năm.
Tuy nhiên, do Mỹ và các nước phương Tây đã quyết định loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác là phải thanh toán cho Nga bằng đồng rúp thay vì bằng đồng USD như thường lệ. Với tỷ trọng nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga như hiện tại, điều đó sẽ không làm giảm giá trị của USD trên toàn cầu. Tác động lớn nhất từ động thái của Ấn Độ là về khía cạnh chính trị, chiến lược. Đây được xem là biện pháp “cứu cánh” của Ấn Độ đối với Nga, trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây tìm cách sử dụng các đòn trừng phạt khiến nền kinh tế Nga bị thiệt hại nặng nề và dẫn đến cạn kiệt ngân sách phục vụ chiến dịch quân sự đang diễn ra tại Ukraine.
Tác động lớn thứ hai là mở đường cho các nước khác tìm cách né trừng phạt một khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt, bởi đây đang là lá bài được Washington “ưa chuộng”.
Tóm lại, lựa chọn của Ấn Độ phần lớn mang động cơ kinh tế và tác động lớn nhất là khiến các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây chống Nga không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.
Chính sách ngoại giao cân bằng của Ấn Độ
Thông cáo của cả Mỹ và Ấn Độ sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều cho thấy 2 nước tôn trọng những khác biệt của nhau để cùng đạt tới những lợi ích chung. Khác biệt ở đây là cách các bên ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Theo những thông tin được công bố, trong cuộc hội đàm trực tuyến vừa qua, Tổng thống Mỹ Biden không đưa ra bất cứ yêu cầu cụ thể nào với Ấn Độ nhằm chấm dứt việc nhập khẩu dầu thô của Nga. Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng không có cam kết chính thức nào về việc dừng nhập khẩu dầu. Phía Mỹ cho biết họ không yêu cầu Ấn Độ phải làm gì. Ngược lại, lãnh đạo hai nước tập trung vào các vấn đề hợp tác để thúc đẩy quan hệ song phương. Đó là bởi Mỹ đã hiểu những lợi ích cốt lõi của Ấn Độ khi duy trì mua bán dầu mỏ với Nga. Đó là an ninh năng lượng của một đất nước tỷ dân. Mỹ cũng hiểu vai trò địa chiến lược của Ấn Độ trong thế trận tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bởi vậy, Mỹ cần Ấn Độ hợp tác vì những lợi ích lớn hơn trong tương lai. Mà điều này thì buộc Mỹ phải có nhượng bộ chứ không phải thúc ép và răn đe.
Về phía Ấn Độ, việc kiên trì một quan điểm nhất quán không hậu thuẫn các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh cũng giúp nước này nâng cao đáng kể vị thế cũng như tiếng nói.
Mỹ không thể quay lưng với đồng minh hàng đầu?
Mỹ đã rất thất vọng khi Ấn Độ, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ không cùng chung quan điểm trong vấn đề Nga-Ukraine, cụ thể là trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và gần đây nhất là Ấn Độ tiếp tục mua dầu của Nga. Một loạt các quan chức cấp cao Mỹ đã bày tỏ quan ngại cũng như đưa ra một số cảnh báo với Ấn Độ và cho rằng nước này cần có quan điểm rõ ràng trong vấn đề Nga-Ukraine.
Một mặt cho rằng Ấn Độ không vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga khi mua dầu của Nga, nhưng giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh về việc Ấn Độ muốn đứng ở đâu trong giai đoạn lịch sử này với những gì đang diễn ra ở Ukraine. Việc Ấn Độ bắt đầu mua dầu và các mặt hàng của Nga, sử dụng hệ thống thanh toán bằng đồng rupee (của Ấn Độ) và đồng rúp (của Nga), không chỉ đe dọa phá hoại chiến lược trừng phạt của Mỹ mà về dài hạn còn có thể thôi thúc những nước khác giảm sự phụ thuộc vào đồng USD với tư cách đồng tiền toàn cầu được ưa thích hơn.
Mặc dù Mỹ cần tới vai trò và vị thế của Ấn Độ đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng trong vấn đề Nga-Ukraine, Mỹ sẽ không chỉ dừng ở việc tiếp tục nhắc nhẹ hay cảnh báo chung chung mà có thể sẽ gây sức ép, như dọa trừng phạt Ấn Độ vì nước này mua vũ khí của Nga, vi phạm Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được ban hành năm 2017.
Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ ở NATO cũng đã bị trừng phạt theo đạo luật CAATSA năm 2020 và bị gạt khỏi chương trình tiêm kích F-35 vì mua S-400 từ Nga. Việc dọa trừng phạt có thể vừa gây sức ép đối với Ấn Độ, vừa là biện pháp răn đe các nước khác có ý định lách các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Tuy nhiên, ngoài biện pháp này, Mỹ cũng có thể đưa ra cam kết hỗ trợ kinh tế, quân sự đối với Ấn Độ để thuyết phục nước này thay đổi quan điểm trong vấn đề Nga-Ukraine./.