Đây là kết quả ủng hộ thấp nhất đối với một tổng thống Pháp sau 10 tháng cầm quyền, kể từ năm 1981 đến nay.

Vi hành chớp nhoáng để sâu sát, gần gũi với dân dường như là sách lược mới mà ông Hollande đang tích cực tiến hành để cải thiện hình ảnh một vị tổng thống “bình thường”.

‘Báo động’

Mức độ tín nhiệm của người dân đối với tổng thống Hollande đang rất “đáng báo động”. Bản thân điện Elysée cũng công khai tuyên bố “lo ngại” về thực trạng này. Điều đặc biệt nguy hiểm là trong số những người bày tỏ sự thất vọng đối với ông Hollande, thì có tới 44% là những người từng nhiệt thành bỏ phiếu cho ông, và có cả những lãnh đạo chủ chốt của đảng Xã hội. Sự quay lưng lại của một số cử tri từng bỏ phiếu cho ông Hollande là bởi họ thất vọng trước những hành động còn chậm, những lời hứa chưa được triển khai, những kế hoạch chưa lộ diện trong việc thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.  

hollande%20lay%20lai%20uy%20tin.jpg
Tổng thống Pháp Hollande (ảnh: PA)

Còn về phía đảng Xã hội, người đứng đầu phe “tả” trong Đảng này Emmanuel Maurel – người tự nhận là đã đấu tranh hết mình để góp phần tạo nên thắng lợi cho ông Hollande- cũng vừa kêu gọi Tổng thống “giữ những lời đã cam kết” và “tạo nên bước ngoặt” ngay từ bây giờ. Trong ngày 5/3, ông này cũng đã có mặt trong cuộc biểu tình của các nghiệp đoàn công nhân, người lao động phản đối việc chính phủ ký thỏa hiệp về việc làm với các chủ doanh nghiệp. Được biết, 90% những người tham gia cuộc biểu tình đều tuyên bố đã bỏ phiếu cho ông Hollande trong vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống.

Ngoại giao bận rộn cả trong lẫn ngoài

Hơn 1 tháng qua, ông Hollande có chính sách đối ngoại tích cực và bận rộn giúp ông Hollande thể hiện là một nhà lãnh đạo “có hành động”. Dĩ nhiên, hiện nay tình hình Mali còn nhiều phức tạp nhưng phần nào chiến dịch quân sự đã khẳng định sức mạnh và vai trò quốc tế của nước Pháp dưới nhiệm kỳ của ông Hollande.

Trong các chuyến thăm Nga và Ấn Độ, câu chuyện “lợi ích” của nước Pháp, chính sách ngoại giao kinh tế được ông Hollande đề cập rất nhiều với lãnh đạo các nước đối tác quan trọng của Pháp. Nhất là trong đội ngũ tháp tùng ông, có số lượng đông đảo lãnh đạo các tập đoàn lớn của Pháp. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại dù tốt đến đâu cũng không thể gỡ gạc hết các điểm yếu của chính sách đối nội. Mà thực tế hiển hiện tại nước Pháp là tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều bối rối trong chính sách về việc làm cho giới trẻ, tuổi về hưu, hay trợ cấp hưu trí…

Tổng thống Hollande từng tuyên bố sẽ là một vị tổng thống “bình thường”, được hiểu là ông sẽ gần gũi và cảm thông với những mối lo toan cuộc sống của người dân Pháp. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp gia tăng và kinh tế không có những chuyển biến tích cực khiến không ít người dân chỉ trích và lo ngại ông có thể trở nên “tầm thường” hơn là hình ảnh mà ông dự định xây dựng.

Nhưng mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng tỷ lệ ủng hộ thấp đối với ông Hollande thực ra là do chính sách đánh bóng hình ảnh trên truyền thông kém, chứ chưa hẳn đã phản ánh hoàn toàn sự thực. Và dường như ông Hollande đã có sách lược theo hướng này. Đó là tận dụng “sự gần gũi”- tức là liên tục đến thăm người dân ở các vùng miền quan trọng của nước Pháp đúng với phong cách của một vị tổng thống “bình thường”. Thậm chí báo chí còn nói rằng ông Hollande đang phát minh ra một kiểu “vi hành” chớp nhoáng trong 2 ngày, trong đó có 1 đêm lưu lại địa phương. Rất có thể chiến lược này sẽ thành công!

Mới chỉ bắt đầu?

10 tháng đã trôi qua kể từ khi ông Hollande lên nhậm chức, song nhiệm kỳ tổng thống ở Pháp là 5 năm. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà nhiều lãnh đạo trong chính phủ của ông Hollande đã lên tiếng trấn an rằng chặng đường mới bắt đầu và không hề muộn khi tiến hành những đổi thay ngay từ bây giờ.

Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls khẳng định rằng “định hướng của chính quyền Hollande là rất rõ ràng”. Còn cựu ứng cử viên tổng thống – cũng là người bạn đời cũ của ông Hollande- bà Segolene Royal vẫn nói: “không bao giờ là quá muộn để hành động”.

Thượng nghị sỹ của đảng Xã hội André Vallini thì nhấn mạnh “ông Hollande không phải được bầu để làm một vị tổng thống được lòng dân” và “lịch sử ghi dấu những nhà lãnh đạo biết thử thách lòng dũng cảm, dám đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp khi nhà lãnh đạo đó đang phục vụ cho lợi ích của đất nước”.

Một câu chuyện rất đáng chú ý tuần trước là trong chuyến thăm truyền thống của một tổng thống đến Triển lãm nông nghiệp hàng năm, tổng thống Hollande tự nhận với một người thân cận rằng ông rất sợ sự bất mãn đối với tình hình kinh tế tồi tệ, các chính sách hiệu quả có thể khiến người dân Pháp ghét ông. Nhưng sau  gần 10 tiếng đồng hồ có mặt tại cuộc triển lãm, ông Hollande đã tự thở phào rất may điều đó chưa xảy ra, cũng có nghĩa là cơ hội cho ông để cải thiện hình ảnh là vẫn còn./.