«Một tổng thống bình thường » là hình ảnh mà Tổng thống Francois Hollande muốn tạo dựng trong lòng người dân Pháp. Gặp mặt và phỏng vấn ông mới thấy rõ phong cách « bình thường» theo kiểu gần gũi, dân dã ấy. Nhưng dường như cái sự « bình thường » đó lại đang không ghi điểm cho vị nguyên thủ này trên chính trường.

Tại buổi gặp mặt các đại diện tiêu biểu của cộng đồng châu Á tại Pháp nhân dịp năm mới âm lịch Quý Tỵ 2013, Tổng thống Francois Hollande đã thể hiện phong cách « bình thường » của mình khi ông cùng bạn gái đi bắt tay chào hỏi một vòng sau bài phát biểu thông lệ. Nếu có ai ngỏ ý chụp ảnh chung, ông sẵn sàng dừng lại và nở nụ cười thật thân thiện. Ngay khi tôi chen vào giữa đám đông đặt câu hỏi phỏng vấn, ông đã nhanh chóng dừng bước, hướng về chiếc điện thoại đang ghi âm và trả lời. Thấy vậy, các nhân viên an ninh cũng giãnra tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp.

Thái độ dễ gần của người đứng đầu điện Elysee là minh chứng rõ nét cho hình ảnh vị tổng thống « bình thường » mà ông muốn tạo ra trong lòng dân chúng – trái ngược với một tổng thống xa xỉ, khó gần mà báo chí Pháp thường nói về người tiền nhiệm của ông - cựu tổng thống Nicolas Sarkozy.

hollande%20binh%20dan.jpg
Đương kim Tổng thống Pháp Hollande đã và đang sử dụng cách tiếp cận 'bình dân' (ảnh: Reuters)

« Bình thường » để tạo khác biệt

Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy được biết đến với việc chi nhiều tiền cho bữa tiệc chiến thắng tại quán Fouquet trên đại lộ Champs-Elysées - một trong những nhà hàng đắt nhất Paris hay cùng Carla Bruni trong những kỳ nghỉ xa xỉ trên du thuyền, với những khoản tiền khổng lồ dành cho hoa lá … Đối với tổng thống Hollande, sự xa xỉ, chơi trội không có trong các hoạt động, cả chung lẫn tư, dù ông xuất thân từ một gia đình giàu có dòng dõi.

Báo chí Pháp miêu tả một vị tổng thống ‘bình thường nhất thế giới’, sử dụng sản phẩm của những thương hiệu bình dân như đồng hồ Swatch, áo sơ mi Celio hay đi những đôi giầy không tên tuổi. Có một câu chuyện rằng ông Hollande có phong cách « bình thường » đến độ đã có người thân nhắc nhở rằng: ông giờ đã là một vị tổng thống, không còn là một công dân bình thường nữa đâu nhé!

Ông Hollande thường xuyên đi tàu đường dài trong các chuyến đi công tác địa phương – nhằm mục đích mà ông công khai là để « tiết kiệm ngân sách ». Chỉ cho đến khi nước Pháp can thiệp quân sự vào Mali, điện Elysée mới công bố việc tổng thống sẽ đi máy bay cho quãng đường Paris- Lille dài hơn 200 cây số, để tránh phụ thuộc vào giờ tàu chạy và có thể có mặt nhanh chóng tại Paris khi cần để chỉ đạo chiến dịch quân sự tại Mali.

Liệu có « lập trình » trước?

Phong cách ứng xử với người dân là một điểm mà các chính trị gia tại Pháp phải xây dựng và nhiều khi là phải rèn luyện cho thuần thục. Đó cũng có thể là phong cách chung của một đảng phái nào đó đối với cử tri, nhưng đôi khi cũng phảng phất đặc điểm cá nhân riêng. Ví dụ người ta thường nghĩ lãnh đạo thuộc đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy là khó gần, nhất là sau vụ scandal ông Sarkozy văng tục với một người nông dân tại triển lãm nông nghiệp năm 2008; khi người này từ chối bắt tay tổng thống. Nhưng cũng một đại diện khác của Liên minh vì phong trào nhân dân là cựu tổng thống Jacques Chirac lại có phong cách rất dễ gần. Và bất ngờ nhất là câu chuyện « văng tục » đáng tiếc của ông Sarkozy tại triển lãm nông nghiệp lại được đưa ra mổ xẻ và « nạn nhân » bị nhận những lời tục tĩu của ông Sarkozy tiết lộ rằng thực chất câu chuyện phần nào đã được sắp đặt trước, chỉ có điều là tổng thống Sarkozy đã không kiềm chế được sự nóng giận và phản ứng đáng tiếc! 

Tổng thống Hollande thân thiện trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Paris

Hóa ra phong cách ứng xử của một chính trị gia nhiều khi cũng bị « lập trình » trước, chứ đâu phải lúc nào cũng hoàn toàn tự nhiên.

Nguy cơ ‘bất thường’ trong xã hội sính đẳng cấp

Khi xây dựng hình ảnh một vị tổng thống « bình thường », ông Hollande muốn gửi một thông điệp đến người dân Pháp rằng ông hiểu và rất gần với những lo toan đời thường của họ. Nhưng trớ trêu là sự « bình thường » ấy lại hóa thành « bất thường ». Bình thường hóa vai trò tối cao của một người đứng đầu nước Pháp không phải là điều đơn giản và không phải lúc nào cũng tốt. Nó có thể là một chiêu bài tranh cử hữu dụng về mặt truyền thông. Nhưng một khi đã đắc cử, đã thành tổng thống thì câu chuyện lại phải khác.

Tổng thống Hollande từng cho biết sau khi nhậm chức, ông rất nhớ chiếc xe máy nhỏ mà trước kia ông thường sử dụng để đi làm. Câu chuyện đó làm người ta nghĩ đến việc Thủ tướng Na Uy đến văn phòng bằng xe đạp. Nhưng nước Pháp có lịch sử, đặc điểm chính trị khác hẳn với các nước khác, càng khác với các quốc gia Bắc Âu (nơi các chính trị gia tự coi mình như một công dân bình thường và xã hội không soi mói các nhà chính trị). Pháp có thể được coi là quốc gia có quan niệm về giới tinh hoa nặng nề nhất, có sự phân hóa rõ rệt tầng lớp thượng lưu chính trị, trí thức… Đó có thể là nguồn gốc sinh ra hệ thống các «trường lớn» tại Pháp (Grandes Écoles) với chất lượng và đẳng cấp đào tạo hơn hẳn các trường đại học. Trong một xã hội nơi mà tư tưởng « tinh hoa » nặng nề như thế, càng khó có thể «bình thường » hóa vị trí của người đứng đầu đất nước.

Bối cảnh nước Pháp hiện tại cũng khiến sự « bình thường » trở thành bất lợi cho ông Hollande khi người dân cần một « bàn tay sắt » để vực dậy nền kinh tế của nước này, để giải quyết những vấn đề an ninh nổi cộm. Hậu quả là ông Hollande lại trở thành vị tổng thống có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong nền cộng hòa thứ 5 của Pháp sau gần 1 năm nhậm chức. Nhiều người Pháp cảm thấy « thất vọng » khi vị tổng thống mới thiếu sự quyết đoán cần thiết khi ở vị trí lãnh đạo cao nhất.

« Bình thường » mà không được thiếu những phẩm chất « khác thường » cần thiết của một nhà lãnh đạo, vấn đề không hề dễ đối với ông Hollande./.