Với việc Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon ngày 29/3, Vương quốc Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Nhưng không phải bà May mà có lẽ chính Vua Henry VIII, cách đây gần nửa thiên niên kỷ, đã đặt nền móng cho cuộc chia ly của “Quốc đảo sương mù” với “lục địa già”, không chỉ về mặt tư tưởng như nhiều người đã nói mà cả về vấn đề pháp lý.
Sau gần nửa thiên niên kỷ, người ta lại nhắc nhiều tới Vua Henry VIII bởi “mối liên hệ” rất rõ ràng giữa ông với tiến trình Brexit hiện nay. Ảnh: Getty Images. |
Mối liên hệ giữa Brexit và Điều khoản Henry VIII
Henry VIII được nhớ tới nhiều nhất không chỉ vì ông có tới 6 người vợ hay việc ông đã li dị và chặt đầu 4 người phụ nữ của mình mà còn vì vị vua này chịu trách nhiệm cho việc đưa ra cái gọi là Quy chế tuyên bố (Statute of Proclamations) từ năm 1539.
Về cơ bản, quy chế này trao cho ông quyền lập pháp bằng các tuyên bố, vậy là Nhà Vua có thể làm luật hay thay đổi luật mà không cần thông qua Nghị viện. Quyền lực đó đến nay vẫn tồn tại và giờ nó được gọi là “Điều khoản Henry VIII”.
Ngày nay, thông thường tất cả các dự luật ở Anh đều phải đi qua 2 viện của Quốc hội. Quy trình chuẩn để thông qua một dự luật là nó phải được trình lên Thượng viện (Viện Quý tộc) và Hạ viện (Viện Thứ dân) sau đó nó sẽ được trao đổi giữa đôi bên để xem xét trước khi trình dự luật sửa đổi. Sau khi Nghị viện nhất trí thông qua, Hoàng gia Anh sẽ tuyên bố dự luật trở thành luật.
Tuy nhiên, đôi khi chính phủ có thể thêm vào đó Điều khoản Henry và điều này cho phép họ bãi bỏ hoặc sửa đổi kể cả khi dự luật đã trở thành “Đạo luật của Nghị viện” mà không bị cơ quan lập pháp “dòm ngó” thêm một lần nào nữa.
Nhiệm vụ đưa Vương quốc Anh rời khỏi EU đặt ra một khối lượng công việc khổng lồ cho Nghị viện nước này bởi vì rất nhiều đạo luật của Anh xuất phát từ luật chung của khối, trong đó có quyền lợi của người lao động như chi trả thai sản.
Chính phủ Anh không muốn những điều đó biến mất chỉ trong một đêm, vì thế họ sẽ tìm cách chuyển đổi hàng nghìn quy định của châu Âu thành luật của Vương quốc Anh trước khi hoàn tất tiến trình Brexit vào giữa năm 2019.
Và họ dự định làm điều này dưới dạng “Dự luật bãi bỏ quy mô lớn” (Great Repeal Bill - GRB), trong đó có việc bãi bỏ Đạo luật cộng đồng châu Âu (European Communities Act) năm 1972, bước ngoặt lịch sử đưa nước Anh gia nhập EU.
Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu
Nguồn tin chính phủ cho biết họ sẽ sớm đưa ra những đề xuất về vấn đề này dưới dạng Sách Trắng và những đề xuất đó sẽ bao gồm Đạo luật Henry VIII.
Vì sao chính phủ Anh cần tới Henry VIII?
Vấn đề nằm ở luật pháp của Anh, mà cốt lõi của luật pháp ở tất cả các nước chính là “hiến pháp”.
Tuy nhiên, cái gọi là “hiến pháp” Anh luôn được ví như “một con voi lù lù giữa phòng”, nghĩa là ai cũng thấy đây là một vấn đề rất to lớn và quan trọng nhưng lại chẳng ai lên tiếng.
Đúng vậy! Vương quốc Anh không có một văn bản duy nhất tập hợp mọi nguyên tắc lập pháp cơ bản được gọi là “Hiến pháp”!
Khác với bản Hiến pháp cụ thể và duy nhất của Mỹ mấy trăm năm nay gần như không đổi, cái gọi là “hiến pháp” của Anh là được tập hợp từ những thời điểm khác nhau trong lịch sử, một vài điều xuất phát từ luật do Nghị viện thông qua, một vài điều có xuất phát điểm là án lệ và còn có cả những luật “bất thành văn”.
Sách Trắng về Brexit công bố trước đó đã gợi mở rằng chính phủ Anh có thể áp dụng các văn bản dưới luật để né tránh các cuộc thảo luận về vấn đề đó tại Nghị viện và bên cạnh đó tất nhiên là việc đưa Điều khoản Henry VIII vào GRB.
Tuy nhiên, một quan điểm khác lại cho rằng việc lạm dụng văn bản dưới luật hay Điều khoản Henry VIII sẽ thay đổi “hiến pháp” của nước Anh khi quyền lập pháp chuyển sang chính phủ nhiều hơn là Nghị viện.
Vì lý do đó, dư luận đặc biệt quan tâm việc GRB sẽ trao cho chính phủ Anh bao nhiêu quyền hạn để thúc đẩy Nghị viện thông qua luật.
Điều khoản Henry VIII – con dao 2 lưỡi
Chính phủ Anh cũng ý thức được rằng kế hoạch sử dụng Điều khoản Henry VIII trong bối cảnh hiện nay sẽ gây rất nhiều tranh cãi.
Thực tế, đảng Dân chủ Tự do đã gán cho kế hoạch này cái tên “vụ thâu tóm quyền lực lớn nhất kể từ thời Henry VIII”. Bởi vì đưa Điều khoản Henry VIII vào đồng nghĩa với việc không viện nào của Nghị viện có thể xem xét sửa đổi những đạo luật được cho là sẽ có tác động đến những vấn đề cốt lõi như thương mại, nhập cư và quyền của người lao động.
Đã có những lo ngại rằng chính phủ sẽ sử dụng quyền này để chọn yếu tố nào của luật EU có thể giữ lại hoặc thay thế mà không để mở vấn đề cho Nghị viện thảo luận một cách thỏa đáng.
Ủy ban Hiến pháp của Thượng viện Anh lại bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban này, ông Ian Bruce Lang nhấn mạnh rằng “không thể bỏ qua việc xem xét của Nghị viện”.
Chính phủ Anh thì lập luận rằng vấn đề nằm ở thời gian.
Một khi bà Theresa May chính thức khởi động đàm phán Brexit, bà sẽ chỉ có 2 năm để chuyển tất cả luật của EU mà chính phủ muốn giữ lại trở thành luật của Vương quốc Anh. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề bởi Nghị viện Anh đã ước tính có tới 33 thể chế khác nhau của châu Âu cần phải đưa vào luật mới của Vương quốc Anh, bao gồm mọi lĩnh vực từ ngư nghiệp cho tới thực thi pháp luật, từ y tế đến an toàn thực phẩm.
Cùng với việc bà May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, Sách Trắng về GRB dự kiến được xuất bản cuối tháng và Điều khoản Henry VIII chắc chắn sẽ là điểm gây tranh cãi nhiều nhất. Nhưng đây mới chỉ là giai đoạn khởi động cho một nhiệm vụ to lớn và khó khăn./.Anh khẳng định quyết tâm chia tay châu Âu