Động thái này sẽ giúp chấm dứt cuộc đấu đá giữa hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa liên quan tới các vấn đề về thuế khóa, từng khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong vòng 16 ngày hồi tháng 10 vừa qua.       

Dự luật ngân sách được Hạ viện Mỹ thông qua với sự ủng hộ của 169 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 163 nghị sĩ đảng Dân chủ, sẽ chấm dứt một số khoản cắt giảm chi tiêu của các cơ quan liên bang và thay thế cơ chế này bằng việc tiết kiệm có mục tiêu hơn của Chính phủ.

boehner_copy.jpg
Chủ tịch Hạ viện Boehner tại phiên bỏ phiếu dự luật tại Hạ viện (Ảnh AP)

Ngày 10/12, kế hoạch ngân sách này đã được các nhà đàm phán trong Quốc hội Mỹ thông qua, theo đó, cho phép nâng trần ngân sách Chính phủ Mỹ thêm 1.000 tỷ USD cho 2 năm tiếp theo.

Thỏa thuận mới còn giúp giảm thâm hụt ngân sách liên bang 23 tỷ USD, đồng thời bù đắp số tiền 63 tỷ USD cắt giảm tự động trong ngân sách quân sự và chi tiêu nội địa hồi tháng 1.

Thỏa thuận này sẽ cần được Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua trước khi trình lên Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn.

Thực tế các chính trị gia Mỹ đã phải trải qua thời gian quá dài tranh cãi về vấn đề ngân sách, do đó, dự luật ngân sách vừa được Hạ viện thông qua có thể coi là một bước tiến tuy nhỏ nhằm hướng tới mục tiêu giảm thâm hụt và cân bằng ngân sách, song lại rất tích cực.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ hi vọng, dự luật ngân sách, được sự ủng hộ của 332 Hạ nghị sĩ, sẽ được vận hành như một “thỏa thuận ngừng bắn”, trong một trận chiến chi tiêu, vốn đã gây ra nhiều biến động trong Quốc hội Mỹ suốt 2 năm qua và đã từng khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong suốt 16 ngày hồi tháng 10 vừa qua.

Trong tuyên bố của mình, Nhà Trắng cho rằng thỏa thuận ngân sách trên mặc dù không bao gồm tất cả các điều khoản mà Tổng thống Obama đã đề xuất, song ít nhất nó đã đánh dấu một thời khắc quan trọng khi mà 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể bắt tay hợp tác và tạm thời cứu chính phủ Mỹ khỏi nguy cơ đóng cửa thêm một lần nữa.

Do đó, các nhà lãnh đạo cả 2 đảng đang muốn gạt ra ngoài bất kỳ nhóm bảo thủ nào có ý định phản đối thỏa hiệp trên. Với sự ủng hộ của các hạ nghị sĩ từ cả 2 đảng, Chủ tịch Hạ viện Jonhn Boehner đã lên tiếng chỉ trích những nhóm bảo thủ này vì cho rằng họ muốn cản trở thỏa thuận ngân sách nhằm nâng cao uy tín và cải thiện việc gây quĩ của họ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Jonhn Boehner tuyên bố: “Tôi ở đây để chiến đấu cho một Chính phủ nhỏ hơn, chi phí ít hơn và có trách nhiệm hơn. Thỏa thuận ngân sách này đang đi những bước đi đúng hướng. Mặc dù thỏa thuận này chưa phải là tất cả những gì mà tôi muốn song việc những nhóm bảo thủ chỉ trích một thỏa thuận mà họ chưa hiểu rõ thì hành động này có thể là không đáng tin cậy”.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, khi dự luật ngân sách trên được chuyển sang Thượng viện để phê chuẩn, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện là ông Mitch McConnell cùng một số nghị sĩ Cộng hòa tại Uỷ ban ngân sách của Thượng viện nhiều khả năng sẽ chống lại dự luật này vì cho rằng dự luật ngân sách mới chỉ hướng tới việc chi tiêu nhiều hơn, đánh thuế nhiều hơn và cho phép tiếp tục hỗ trợ chương trình Obamacare, hơn là giảm thâm hụt ngân sách.

Trước nguy cơ về những bất đồng tại Thượng viện xung quanh dự luật ngân sách có thể khiến chính phủ lại phải đóng cửa, một số nghị sĩ đã lên tiếng kêu gọi 2 đảng tiếp tục bắt tay vì tương lai của nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ Dick Dubin cho biết:“Tôi kêu gọi các thành viên của cả 2 bên, Hạ viện và Thượng viện, Đảng Dân chủ và Cộng hòa bỏ phiếu cho thỏa thuận ngân sách này. Chúng ta hãy hành động, đừng để chính phủ phải đóng cửa một lần nữa. Đây là một cơ hội và với cơ hội này, chúng ta có thể đưa đất nước trở nên mạnh mẽ hơn và tiết kiệm tiền của người nộp thuế”.

Trước đó, ngày 1/10 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã buộc phải đóng cửa sau khi Thượng viện và Hạ viện không thể thống nhất về ngân sách cho các cơ quan của Chính phủ.

Ngày 17/10, Tổng thống Obama đã ký duyệt một dự luật tạm thời, mở đường cho Chính phủ Mỹ quay lại hoạt động sau 16 ngày đóng cửa. Dự luật tạm thời cấp ngân sách cho Chính phủ đến ngày 15/1/2014./.