Liên lạc với Đại sứ Nga nhiều bất thường
Reuters dẫn lời 7 quan chức và cựu quan chức Mỹ khẳng định, ông Kushner đã liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak ít nhất là 3 lần trong giai đoạn trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Theo các quan chức này, trong thời gian đó, ông Kushner đã có 2 cuộc điện đàm với Đại sứ Nga tại Mỹ vào tháng 4 và tháng 11.
Ông Kushner đang bị tình nghi có "quan hệ bất thường" với Nga. Ảnh: AP |
Điều này đã khiến ông Kushner “rơi vào tầm ngắm” của FBI và FBI đang tiến hành điều tra xem liệu các cuộc liên lạc này của ông Kushner với Đại sứ Nga tại Mỹ có liên quan gì đến chiến dịch tranh cử của ông Trump hay không.
Trước đó, con rể của ông Trump cũng từng bị các nhân viên điều tra của FBI đặt nghi vấn sau khi họ phát hiện ra mối liên hệ bất thường giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn [đã từ chức-ND] và các quan chức Nga hồi đầu năm 2017.
Thông tin về hai cuộc điện đàm giữa ông Kushner và Đại sứ Nga được cho là giúp hé lộ phần nào về mối quan hệ từ lâu đã bị nghi ngờ giữa các quan chức Mỹ dưới thời ông Trump và Nga. Nhiều chuyên gia cho rằng, mối quan hệ này “sâu rộng hơn nhiều” so với những gì mà Nhà Trắng “buộc phải thừa nhận”.
Đáp lại những cáo buộc này, luật sư của ông Kushner, ông Jamie Gorelick tuyên bố, thân chủ của ông “không nhớ là đã tiến hành cuộc điện đàm nào” với ông Kislyak vào tháng 4 và tháng 11.
“Trong thời gian đó, ông Kushner đã tiến hành hàng nghìn cuộc điện đàm và không nhớ được là có điện đàm với ông Kislyak hay không. Chúng tôi đã yêu cầu những người nêu ra nghi vấn đó cung cấp ngày giờ cụ thể của các cuộc điện đàm nói trên nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được thông tin nào”, ông Gorelick nói.
Trong khi đó, Nhà Trắng cũng chỉ thừa nhận rằng, ông Kushner và ông Flynn đã gặp Đại sứ Nga tại Tòa tháp Trump hồi tháng 12 để “thiết lập các kênh liên lạc”.
Ngoài ra, Đại sứ Nga Kislyak cũng có mặt tại Washington vào tháng 4/2016 khi ông Trump có bài phát biểu vận động tranh cử tại đây và con rể của ông cũng tham dự.
Ủy ban điều tra Thượng viện Mỹ muốn gì ở con rể Tổng thống Trump?
Ông Kushner trao đổi gì với Đại sứ Nga?
Theo các quan chức Mỹ nói trên, trước thời điểm diễn ra bầu cử Mỹ (11/2016), nội dung các cuộc trao đổi giữa ông Kushner và ông Flynn với Đại sứ Nga Kislyak chủ yếu xoay quanh cuộc chiến chống khủng bố và các biện pháp cải thiện quan hệ Nga-Mỹ.
Sau thời điểm đó, cả ông Kushner và ông Flynn đều trao đổi với ông Kislyak về khả năng thiết lập “một kênh liên lạc ngầm” giữa Tổng Thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Putin thông qua các cơ quan ngoại giao và tình báo 2 nước.
Reuterslà hãng tin đầu tiên công bố thông tin rằng ông Flynn và ông Kislyak đã bàn đến việc thiết lập “kênh liên lạc ngầm” nói trên vào thời điểm ông Trump chính thức tiếp quản chức Tổng thống. Sau đó, tờ Washington Post hé lộ thêm rằng, ông Kushner cũng tham gia vào cuộc trao đổi đó.
Theo các thông tin mà Reuterscó được, các quan chức dưới thời ông Trump đã tiến hành tới 18 cuộc điện đàm và trao đổi email bí mật với giới chức Điện Kremlin chỉ trong vòng 7 tháng qua, trong đó có 6 cuộc gọi tới ông Kislyak.
Trong khi đó, một số nguồn tin khẳng định, ông Kushner và ông Kislyak nhiều lần liên hệ với nhau. Tuy nhiên, những nguồn tin này cũng chỉ nêu được có 2 cuộc điện đàm vào hồi tháng 4, tháng 11/2016 và một cuộc trao đổi giữa 2 nhân vật này sau đó liên quan đến việc “thiết lập một kênh liên lạc ngầm” giữa ông Trump và ông Putin.
17 nét phác họa chân dung con rể kiêm cố vấn cấp cao của ông Trump
Vì sao ông Kushner “rơi vào tầm ngắm” của FBI?
FBI bắt đầu nghi ngờ ông Kushner khi các báo cáo tình báo cho thấy có những nhân vật đã cùng với ông Flynn liên lạc với phía Nga. Tuy nhiên, danh tính của những nhân vật này được giữ kín theo luật của Mỹ và các nhà điều tra đã buộc phải yêu cầu các cơ quan tình báo tiết lộ danh tính của những nhân vật nói trên- trong đó có ông Kushner.
Hiện các nhân viên điều tra của FBI đang xem xét liệu có chuyện giới chức Nga “gợi ý” với ông Kushner và các trợ lý của ông Trump rằng, việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga sẽ tạo điều kiện để Nga “hỗ trợ tài chính” cho những người thân cận với ông Trump hay không.
Các nhân viên điều tra của FBI đặc biệt chú ý đến việc Chủ tịch ngân hàng Vnesheconombank của Nga Sergei Nikolaevich Gorkov- một nhân vật thân tín với ông Putin- có mặt tại Tòa tháp Trump để gặp ông Kushner vào tháng 12/2016.
Tuy nhiên, ngân hàng này khẳng định, Chủ tịch của họ chỉ gặp ông Kushner trong cuộc gặp chung giữa đại diện giới ngân hàng và doanh nhân Mỹ và Nga.
Ngoài ra, chính các quan chức tình báo Mỹ tham gia vào cuộc điều tra về mối liên hệ giữa các trợ lý của ông Trump với Nga cũng tuyên bố, cho đến thời điểm này, họ chưa phát hiện ra sai phạm nào liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump [được cho là có sự can thiệp của Nga-ND].
Hơn thế nữa, giới chức tình báo Mỹ khẳng định, họ cũng không tìm ra bằng chứng nào cho thấy, ông Trump ra lệnh, hay thậm chí chỉ là biết về mối liên hệ của các trợ lý của mình với Nga./.