Khi Washington chuẩn bị mở rộng chiến dịch không kích phiến quân Hồi giáo IS vào lãnh thổ Syria, họ đã gặp phải sự chần chừ từ phía đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Washington giành được sự hậu thuẫn từ 10 quốc gia Arab (bao gồm Ai Cập, Iraq, Jordan, Lebanon, và 6 quốc gia vùng Vịnh) cho kế hoạch liên minh quân sự đánh IS. Thổ Nhĩ Kỳ có tham dự các cuộc thảo luận đó nhưng chưa ký kết gì.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu – những “kiến trúc sư” của chính sách đối ngoại hướng nước của người Hồi giáo Sunni này thành một cường quốc khu vực, hiện đang lưỡng lự khi phải tham gia vào hoạt động mà họ sợ có thể khiến cho Tổng thống Bashar al-Assad mạnh lên và làm gia tăng căng thẳng giáo phái ở Iraq.
Fadi Hakura, nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ tại viện nghiên cứu Chatham House có trụ sở ở London, nhận định: “Đây là hành vi tái cân bằng rất phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thỏa mãn đối tác Mỹ nhưng lại không quá hợp tác với họ… Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các nước Arab được cho là nằm trong liên minh của những người thờ ơ và không sẵn lòng, đang hoài nghi sâu sắc về ý định của Mỹ ở khu vực”.
Các quan chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ được giới hạn vào việc ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài vượt biên vào vùng do IS kiểm soát, cắt các nguồn tài chính cho IS, và cung cấp trợ giúp nhân đạo và hậu cần.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay hiện chưa có kế hoạch cho phép căn cứ không quân Mỹ ở thị trấn miền nam Incirlik được sử dụng cho các cuộc không kích này. Các tờ báo thân chính phủ đã đón chào sự lưỡng lự của Ankara, vạch ra sự giống nhau giữa diễn biến hiện nay và năm 2003, khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ một yêu cầu của Mỹ muốn được sử dụng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để xâm lược Iraq.
Ván bài dài lâu
“Thổ Nhĩ Kỳ đã chơi ván bài trường kỳ, và ngay hiện nay chiến lược do chính phủ Mỹ công bố không khiến người ta tự tin khu vực sẽ được ổn định”, Sinan Ulgen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Đối ngoại ở Istanbul, nói.
Ông Sinan Ulgen nói: “Chỉ đánh IS thôi không giải quyết được gì cả… Lịch sử can thiệp của phương Tây gần đây đã biểu lộ rõ điều này. Nhìn vào vị trí của Libya ngày nay, vào Afghanistan, vào Iraq nữa”.
Khi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo làm mưa làm gió ở miền bắc Iraq vào tháng 6/2014, chúng đã bắt 46 người Thổ Nhĩ Kỳ làm con tin ở thành phố Mosul, trong đó có các nhà ngoại giao, quân nhân và trẻ em. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cảnh ngộ của các con tin này là một lý do khiến họ do dự trong việc công khai ủng hộ chiến dịch chung chống phiến quân IS.
Nhưng các quan chức chính phủ đã hé lộ thông tin cho hay các nghi ngại của họ về hành động của Mỹ không chỉ là vấn đề con tin. Thủ tướng Davutoglu vào tuần trước có nói rằng tự riêng hành động của Mỹ là không đủ để mang lại ổn định cho khu vực.
Một số nhà phê bình Tổng thống Erdogan trong và ngoài nước Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông này, vốn là một người Hồi giáo chủ nghĩa dòng Sunni ôn hòa, vẫn chưa thừa nhận thực tế là phong trào cực đoan IS “nguy hiểm” bằng với “mối nguy” Assad – một thành viên của nhóm Shiite được Cộng hòa Hồi giáo Shiite Iran ủng hộ.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những bên ủng hộ hàng đầu cho phe đối lập Syria trong cuộc nội chiến ở nước này. Chính vì sự ủng hộ này, Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước các lời chỉ trích rằng họ nhắm mắt làm ngơ trước sự trỗi dậy của các phần tử cực đoan dòng Sunni (bao gồm nhóm IS) đối lập với Tổng thống Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì một chính sách biên giới rộng mở ở khu vực tiếp giáp Syria, cho phép vũ khí và các chiến binh thông qua Thổ Nhĩ Kỳ tuồn vào lãnh thổ Syria, với hy vọng chế độ Assad sẽ sụp đổ. Trong bối cảnh ông Assad vẫn nắm chắc quyền lực còn các phiến quân thì ngày càng cực đoan, những người chỉ trích Tổng thống Erdogan cho hay chính sách của ông này đã phản tác dụng và tạo ra một mối đe dọa mới.
Tại một cuộc họp báo gần đây ở Washington, Cựu Đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ Francis Ricciardone phát biểu rằng do mải mê ủng hộ các đối thủ của ông Assad nên Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bắt tay với cả chi nhánh al-Qaeda ở Syria (phái al Nusra) - điều mà Washington coi là “không thể chấp nhận được”.
Trong khi đó, Ankara bác bỏ mọi ám chỉ cho rằng họ phải chịu trách nhiệm cho sự trỗi dậy của IS. Không những vậy, họ còn quy phần lớn trách nhiệm về điều này cho chế độ Assad, cho các chính sách đã đẩy người Sunni chiếm đa số ở Syria vào chỗ cực đoan hóa.
Trong chuyến thăm Cộng hòa Síp, Thủ tướng Davutoglu tuyên bố: “Những ai tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ… phải biết rằng trách nhiệm chính đối với tất cả các cuộc thảm sát trong khu vực thuộc về chế độ Assad, chế độ đã giết hại người dân của chính mình và mở đường cho quá trình cực đoan hóa cũng như các chính sách giáo phái ở Iraq”.
Tuy nhiên cho dù Thổ Nhĩ Kỳ chưa cho phép Mỹ mượn các căn cứ không quân để tấn công IS ở Syria, ở một mức độ nào đó họ vẫn hỗ trợ được cho kế hoạch của Mỹ khi làm kênh trung chuyển viện trợ đến cho các phiến quân Syria ôn hòa.
Nếu việc ném bom khiến cho cuộc khủng hoảng người tị nạn xấu thêm, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh nhiều trách nhiệm về việc lo cho người tị nạn.
Tổng thống Erdogan mới đây có đề cập việc lập một vùng đệm dọc theo biên giới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn những người tị nạn tương lai./.
>> Xem thêm: Canh bạc nguy hiểm IS giữa Syria, Mỹ và đồng minh của Mỹ