Tiến thoái lưỡng nan
Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine diễn ra, chính quyền Tổng thống Biden đã khẳng định về sự đoàn kết của phương Tây trong việc hỗ trợ Kiev cũng như vị thế không thể thay thế của Mỹ trên toàn cầu. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ dường như đang tập hợp được sự đoàn kết lưỡng đảng khi có một số lượng lớn nghị sĩ đảng Cộng hòa ký vào những đề nghị của ông để cung cấp thêm tiền bạc và vũ khí cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell thậm chí còn trực tiếp tới Kiev, thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, bất chấp những nhận định mạnh mẽ của chính phủ về sự hỗ trợ cho Ukraine hay sự đoàn kết ngày càng được củng cố giữa Washington và các đồng minh, người dân Mỹ vẫn không mấy hài lòng với thực tế mà họ đang đối mặt: Nền kinh tế Mỹ đang chao đảo trong một cuộc khủng hoảng lịch sử theo hướng mà gần như chắc chắn rơi vào suy thoái, trong khi lạm phát tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng khi những người giàu tiếp tục giàu thêm và tầng lớp lao động vẫn chật vật trước chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, tỷ lệ tội phạm bạo lực cũng gia tăng ở mức đáng báo động tại các thành phố lớn và Mỹ ghi nhận số người di cư bất hợp pháp cao chưa từng có ở biên giới phía Nam.
Trước những thực tế không mấy dễ chịu này, không mấy ngạc nhiên khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden sụt giảm và tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ lao dốc, đặc biệt ở bộ phận cử tri nòng cốt như những cử tri gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và những phụ nữ ngoại ô trí thức.
Theo một cuộc khảo sát mới được công bố hồi giữa tháng 5 của Morning Consult and Politico, đa số người Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Biden và cuộc chiến ở Ukraine vì lạm phát tăng cao ở Mỹ. Trước câu hỏi các chính sách của Tổng thống Biden có vai trò như thế nào đến việc lạm phát tăng cao, 40% người Mỹ được hỏi nói rằng các chính sách này "chịu hoàn toàn trách nhiệm" cho lạm phtá tăng cao, trong khi 25% những người tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân là cuộc chiến ở Ukraine. Chỉ 15% người Mỹ cho rằng việc quay lại các hành vi trước đại dịch là nguyên nhân của lạm phát tăng cao.
Lạm phát tại Mỹ đã ở mức cao nhất trong 40 năm qua vào mùa xuân này. Người dân Mỹ đang phải trả mức giá cao gần như kỷ lục cho lương thực ở các cửa hàng tạp hóa.
Tổng thống Biden cũng đối mặt với tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp do tình trạng lạm phát, ở mức khoảng 44%, theo Morning Consult and Politico.
Trừng phạt Nga hay hạn chế tổn thất cho nền kinh tế Mỹ?
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ công chúng NORC và AP với 1.172 người tham gia từ 12 - 16/5 cho thấy, đa số người dân Mỹ (51%) tin rằng ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden nên là hạn chế tổn thất cho nền kinh tế Mỹ thay vì trừng phạt Nga.
45% người được hỏi cho rằng ưu tiên lớn nhất của Mỹ là trừng phạt Nga mạnh mẽ nhất có thể, thậm chí cả khi điều đó khiến Mỹ phải chịu tổn thất về kinh tế. Trong khi hồi tháng 4/2022, xu hướng này đã diễn ra theo chiều ngược lại, 51% người được hỏi ủng hộ Mỹ áp lệnh trừng phạt cứng rắn nhất lên Nga và 45% những người tham gia khảo sát ủng hộ việc hạn chế nền kinh tế chịu tổn thất. Điều này đã cho thấy sự thay đổi về quan điểm của công chúng với các lệnh trừng phạt khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài và lạm phát tăng cao.
Không chỉ Mỹ cảm nhận được những tác động của lệnh trừng phạt và chiến tranh mà châu Âu cũng vậy khi các nước này phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo hồi tháng 4 rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến những bước lùi nghiêm trọng do cuộc chiến ở Ukraine.
Những người theo quan điểm tự do truyền thống như chiến lược gia đảng Dân chủ James Carville đã dự đoán trước về một kết quả thảm họa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu của đảng Dân chủ nhưng đã bị Chủ tịch Hạ viện Pelosi và những người theo quan điểm cấp tiến phớt lờ, những người vốn đang có ảnh hưởng đến những sáng kiến chính sách của Tổng thống Biden.
Hai thực tế tưởng như không liên quan gì này ngày càng rõ ràng giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine trở nên phức tạp trong khi những vấn đề nội bộ của Mỹ ngày càng nghiêm trọng.
Hiện nay, Nga có ưu thế về hải quân trên Biển Đen và kiểm soát gần như toàn bộ đường bờ biển của Ukraine - một thực tế khiến Moscow có sức ảnh hưởng lớn trong bất kỳ cuộc đàm phán tương lai nào. Ngoài ra, Nga đã phong tỏa cảng Odessa và điều này tức là hành lang xuất khẩu trên biển cuối cùng của Ukraine đã bị đóng lại. Cảng biển này có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế Ukraine. Cuộc chiến ở Ukraine cũng đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bởi Nga và Ukraine chiếm 1/3 xuất khẩu lúa mì của thế giới.
Trong khi người dân Mỹ vẫn đang chật vật hồi phục sau 2 thập kỷ suy yếu vì những cuộc chiến ở nước ngoài mà không thể xác định rõ sứ mệnh của mình, Washington lại đang đứng trước nguy cơ bị cuốn vào một cuộc xung đột khác với những hệ quả khó lường./.