1. Mỹ có thể tính đến việc đưa ít nhất một tàu Hải quân của nước này đến sát một trong các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
tuan_tra_uceq.jpg
Mỹ khẳng định sẽ hiện diện trên Biển Đông và biển Hoa Đông (Ảnh Wochit).

Trong vòng hai tháng tới dự kiến Mỹ sẽ điều tàu hải quân có khả năng mang theo trực thăng và nhiều loại vũ khí khác tiến gần đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Động thái này nhằm gửi tín hiệu của Mỹ cho thấy, Mỹ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc cố tình làm leo thang căng thẳng trong khu vực cũng như không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu khắp Biển Đông.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Bill Urban cho biết, Mỹ vẫn đang hiện diện và hoạt động tích cực ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Urban tuyên bố, dù không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ vẫn không thể “công nhận những yêu sách chủ quyền quá đáng” và  “vượt quá cả những gì quy định trong luật pháp quốc tế”.

Đáp lại các thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh, Trung Quốc “cực kỳ quan ngại về động thái này của Mỹ”. Bà Hoa nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, Mỹ sẽ nhìn nhận quan điểm của Trung Quốc một cách khách quan và cả hai nước có thể cùng hợp tác trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh ở Biển Đông và Mỹ có thể đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này”.

Các nhà phân tích và quan chức Mỹ đều cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng nhiều hạ tầng quân sự tại đây, trong đó đáng chú ý nhất là các sân bay có thể phục vụ cho mục đích quân sự. 

Trong một động thái gần đây nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết, ngày 9/10, Bộ Giao thông Vận tải nước này đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng 2 ngọn hải đăng Hoa Dương và Xích Qua được xây dựng phi pháp trên đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

>> Xem thêm: Mỹ phản đối những quy định hạn chế phi lý ở Biển Đông

2. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7/10 đã xin lỗi Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) vì vụ không kích nhằm vào một bệnh viện của tổ chức tại tỉnh  Kunduz, Afghanistan, làm 22 người thiệt mạng, trong đó có 12 nhân viên của MSF.

Cuộc không kích của Mỹ đã giết chết 22 người tại bệnh viện Kunduz, Afghanistan (Ảnh abc7).

Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, toàn diện và khách quan về vụ tấn công.

Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 6/10, Chỉ huy Phái bộ hỗ trợ của NATO ở Afghanistan, Tướng John Campbell khẳng định, vụ không kích vào bệnh viện ở Kunduz là một sự nhầm lẫn và lực lượng do Mỹ chỉ huy ở Afghanistan “không bao giờ cố tình nhằm vào một cơ sở y tế được bảo vệ”.

Tướng Campbell cũng cảnh báo, tình hình thực địa ở Afghanistan đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2014.  Taliban ở Afghanistan đang không ngừng lớn mạnh, cộng với việc, IS cũng có xu thế mở rộng hoạt động ở Afghanistan với 1.000- 3.000 tay súng. Với tình hình hiện nay ở Afghanistan tiếp tục xấu đi, ông Campbell đã kiến nghị Tổng thống Obama điều chỉnh kế hoạch rút quân của quân đội Mỹ.

Trước đó, ngày 5/10 Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (OHCHR) bày tỏ quan ngại rằng, vụ không kích trúng bệnh viện ở Kunduz, Afghanistan, cuối tuần trước là một tội ác chiến tranh, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vụ việc này.

3. Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất vào khoảng 18h tối 5/10 (theo giờ Việt Nam).
Chú thích ảnh

12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán TPP từ năm 2010, với mục tiêu giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm trong khối. 

Trong cuộc họp báo tuyên bố kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới diễn ra tại thành phố Atlanta, Mỹ, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá "sẽ trở thành hình mẫu, quy chuẩn cho thương mại trong thế kỷ 21".

Hiệp định TPP bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước v.v...

TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% tổng sản lượng kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Ngay sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Mỹ Obama khẳng định: “Khi có tới hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống bên ngoài nước Mỹ, chúng ta không thể để các quốc gia như Trung Quốc đặt ra các quy định về kinh tế toàn cầu”.
>> Xem thêm: Hoàn tất Hiệp định TPP: Tương lai của thương mại toàn cầu

>> Xem thêm: Hiệp định TPP lịch sử và Tổng thống Mỹ: 'Cuộc chiến' chỉ mới bắt đầu

4. Ngày 7/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiến hành đợt cải tổ Nội các lần thứ 2 kể từ khi ông được bầu làm Thủ tướng Nhật vào tháng 12/2012.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc họp báo (Ảnh Reuters).

Trong tổng số 19 vị trí thuộc Nội các cũ, Thủ tướng Nhật Bản đã tái bổ nhiệm đối với 9 vị trí quan trọng trong chính phủ như, Bộ trưởng Tài chính, Chánh văn phòng Nội các, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Y tế-Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ trưởng Thông tin và các vấn đề đối nội, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính, Bộ trưởng Phụ trách chấn hưng kinh tế địa phương.

Đồng thời Thủ tướng Abe thay thế 9 vị trí Bộ trưởng, bao gồm ông Motoo Hayashi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp; Hạ nghị sĩ Hiroshi Moriyama đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp; Thượng nghị sĩ Tamayo Marukawa đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Môi trường; ông Hiroshi Hase đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Giáo dục, Thể thao, Khoa học và Công nghệ thay thế ông Hakubun Shimomura đã đệ đơn từ chức từ trước đó do bê bối trong kế hoạch xây sân vận động quốc gia chuẩn bị cho Olympics 2020.

Cuộc cải tổ Nội các lần này được xem là nỗ lực rất quan trọng của Thủ tướng Abe nhằm tạo thêm sức mạnh để thúc đẩy hàng loạt các chính sách mới mới được thông qua vừa qua.

Lần cải tổ Nội các này diễn ra trong bối cảnh uy tín của ông Abe và chính phủ bị giảm sút, đặc biệt khi ông Abe vẫn kiên định lập trường thúc đẩy Dự luật an ninh mới và vấp phải sự phản đối của nhiều đảng phái đối lập và một bộ phận dân chúng, mặc dù dự luật đã được thông qua.

>> Xem thêm: Cải tổ Nội các, uy tín của Thủ tướng Abe sẽ tăng?

5. Cựu chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc John Ashe đã bị FBI bắt với cáo buộc nhận 1,3 triệu USD tiền hối lộ từ các doanh nhân Trung Quốc.

Ông John Ashe (giữa), người từng là Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thứ 68 năm 2013 (Ảnh Reuters).

Ông Ashe, người từng là Đại sứ tại Liên Hợp Quốc của Antigua và Barbuda và là Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thứ 68 năm 2013 đã bị bắt giữ tại Dobbs Ferry, New York, Mỹ ngày 6/10. 

Cùng với Ashe, FBI cũng đã bắt giữ Phó Đại sứ Cộng hòa Dominica tại Liên Hợp Quốc Francis Lorenzo cùng CEO và Giám đốc Tài chính của một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York là Shiwei Yan (còn được gọi là Sheri Yan) và Heidi Hong Piao (Heidi Park).

Theo cáo trạng của FBI, Ashe bị cáo buộc “gian dối thuế khi không khai báo và nộp số tiền thuế thu nhập cho khoản tiền lên đến hơn 1 triệu USD mà ông nhận hối lộ trong 2 năm 2013 và 2014”.

Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cực sốc vì vụ này bởi nó nhằm thẳng vào quan chức đầu não của tổ chức này.

6. Ngày 9/10/2015 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm gia đình các nạn nhân vụ xả súng ở tiểu bang Oregon.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa), Thống đốc bang Oregon Kate Brown (phải), và Thị trưởng Roseburg Larry Rich (trái), phát biểu với giới truyền thông sau khi gặp gỡ gia đình các nạn nhân vụ xả súng hôm 1/10. Ảnh chụp tại trường Cao đẳng Cộng đồng Umpqua, Roseburg, Oregon, ngày 9/10/2015 (AP).

Trước đó, ngày 1/10, hơn 30 người đã thương vong trong một vụ xả súng điên cuồng tại tiểu bang Oregon miền Tây nước Mỹ. Theo bà Ellen Rosenblum- người đứng đầu cơ quan công tố của bang Oregon, có 13 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong vụ xả súng này.

Vài giờ sau khi xảy ra vụ xả súng, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ sự giận dữ, đồng thời kêu gọi giới lập pháp nước này gạt qua những bất đồng để thúc đẩy việc sửa đổi Luật kiểm soát súng đạn.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Obama nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật kiểm soát súng đạn và khẳng định không thể để tình trạng bắn giết bừa bãi gây tổn hại cho người dân: “Các vụ xả súng đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Thông tin về các vụ xả súng cũng thường xuyên được nhắc đến. Chúng ta đang trở nên tê liệt trước những vụ việc như thế này. Chúng ta đã nói đến vấn đề kiểm soát súng sau mỗi vụ việc ở Tucson, Newtown, Aurora hay Charleston”.

Chính Tổng thống Obama đã phải thừa nhận rằng, việc không thuyết phục được Quốc hội thông qua dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn là thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông từ năm 2009 tới nay.

7. Ngày 8/10, chiến dịch không kích của Nga đã bước sang ngày thứ 9 và vẫn tiếp tục được tăng cường nhằm vào các mục tiêu khủng bố tại tỉnh Raqqa, phía Bắc, Homs và Hama (miền Trung). 

Máy bay chiến đấu SU-24M của Nga cất cánh từ một căn cứ không quân ở Syria. (Ảnh AP).
Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Syria, Trung tướng Ali Abdullah Ayoub nhấn mạnh, các cuộc không kích của Nga đã giúp “làm suy yếu khả năng chiến đấu của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác”. Hơn nữa, còn giúp các lực lượng vũ trang của Syria củng cố sức mạnh và duy trì thế chủ động.

Chỉ trong vòng 1 tuần kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích (30/9), Nga đã tiến hành 120 cuộc không kích phá hủy nhiều cơ sở của IS trên khắp Syria khiến chúng hoảng loạn. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, hiệu quả của các cuộc không kích của Nga là rất cao khi có tới 110 mục tiêu của IS bị đánh trúng.

Trong một diễn biến liên quan, quan hệ giữa Nga, NATO đã leo thang căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO) cáo buộc Nga đã xâm phạm không phận nước này khi tiến hành không kích IS tại Syria. Mỹ đã đề xuất về việc cần đưa ra những chỉ dẫn về an toàn cho máy bay 2 nước tham gia không kích IS tại Syria.

Reuters dẫn lời Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook ngày 9/10 cho biết, vòng đàm phán thứ 2 giữa hai bên về đề xuất này sẽ diễn ra vào cuối tuần. Theo ông Cook, cả Mỹ và Nga đều muốn thúc đẩy việc này nhằm tránh khả năng đối đầu hoặc những sự cố đáng tiếc khi các chiến đấu cơ của 2 nước quần thảo trên bầu trời Syria.