Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm lên nắm quyền lãnh đạo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành 2 cuộc cải tổ nội các quy mô lớn. Với lần mới nhất vừa diễn ra hôm 7/10, đây được đánh giá là bước đi “đại cải tổ” trong bối cảnh uy tín của ông Abe và chính phủ liên tục giảm mạnh trong những tháng gần đây. Liệu bước đi này của Thủ tướng Abe có làm vừa lòng người dân và hiệu quả của nó ra sao?
Duy trì và khác biệt
Trước hết về nhân sự, trong tổng số 19 vị trí thuộc Nội các cũ, Thủ tướng Nhật Bản đã tái bổ nhiệm đối với 9 vị trí quan trọng trong chính phủ, trong đó có Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính Aso Taro, Bộ trưởng kinh tế, Ngoại trưởng Fumio Kishida.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (ảnh: Reuters) |
Trong lần cải tổ Nội các lần trước diễn ra vào ngày 3/9/2014, tức là sau 18 tháng ông Abe giữ chức Thủ tướng, ông Abe đã giữ lại 6 nhân vật là trong đó có những nhân vật chủ chốt như Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Aso Taro, Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida.
Như vậy, cuộc cải tổ lần thứ 2 này, Ông Abe vẫn tiếp tục giữ lại những nhân vật chủ chốt như cuộc cải tổ lần thứ nhất. Điều này thể hiện rõ những người nhân vật này đã thực sự gắn bó và có năng lực thực sự để cùng với ông Abe chèo lái con thuyền lớn Nhật Bản tiếp tục vững lái trên biển lớn. Đồng thời, ông Abe tiếp tục coi trọng duy trì tỉ lệ nữ trong Nội các khi vẫn để 3 nữ Bộ trưởng trong đó có 1 Bộ trưởng được bổ nhiệm mới.
Và một Bộ mới được thành lập là Bộ thúc đẩy phát triển con người, với mục đích làm sao duy trì mức tăng trưởng dân số cho Nhật Bản, giảm gánh nặng phúc lợi xã hội nhưng đảm bảo tốt hơn cho giáo dục và cuộc sống người già.
Mục đích chính của cải tổ nội các lần này vẫn không nằm ngoài mục đích là nhằm kích thích nền kinh tế tăng trưởng, nhưng có điểm khác là muốn tạo ra một cuộc sống phong phú hơn cho người dân Nhật Bản như ông Abe đã phát biểu.
Và ở vấn đề quốc tế là nhằm mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản ra khu vực và thế giới, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ khi đối phó với những vấn đề quốc tế.
Cải cách kinh tế và phát triển xã hội
Cuộc cải tổ nào, ở đất nước, khu vực nào cũng đều đưa ra những mục tiêu của nó. Đối với Nhật Bản trong quãng thời gian vừa qua, đặc biệt từ khi ông Abe nhậm chức Thủ tướng, nhiều chính sách mạnh mẽ đã được đưa ra, không nằm ngoài mục đích hồi phục dần nền kinh tế hướng tới tăng trưởng dương và hai con số, thúc đẩy an sinh xã hội và quan hệ quốc tế...
Ở lần cải tổ nội các tháng 9/2014, Ông Abe đã ngay lập tức đưa ra chính sách Abenomics, khiến dư luận trong và ngoài nước kỳ vọng nhiều và cũng không khỏi nghi ngờ về hiệu quả của nó. Abenomics (tạm gọi là Abenomis 1) bao gồm 3 bước, đó là, thực hiện gói kích thích tài chính lớn, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu. Chính sách này lúc đó được giới thiệu tại cả những Hội nghị, diễn đàn quốc tế vừa nhận được sự ủng hộ, nhưng cũng có lãnh đạo các nước lo ngại chính sách sẽ làm ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, tuy Abenomics chưa mang lại nhiều kết quả như mong đợi, nhưng rõ ràng đã làm cho nền kinh tế Nhật Bản hồi phục trở lại, bởi ngoài chính sách đó, Nội các của ông Abe và bản thân ông Abe cũng đã rất nỗ lực để duy trì cho đến lần cải tổ Nội các thứ 2 này.
Để vận hành tốt bộ máy, Thủ tướng Abe đã ngay lập tức đưa ra chính sách Abenomics 2 gồm 3 mục tiêu. Thứ nhất là thực hiện GDP khoảng 600.000 tỷ Yen (tương đương 5000 tỷ đô la Mỹ). Thứ hai, tăng tỷ lệ sinh lên mức trung bình 1,8 trẻ/bà mẹ vào năm 2020 nhờ các biện pháp hỗ trợ tài chính và giáo dục cho các gia đình, từ đó duy trì dân số ở mức 100 triệu người trong vòng 50 năm tới. Thứ ba, nhằm giảm bớt gánh nặng dân số già lên hệ thống phúc lợi xã hội.
Cụ thể, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ xây dựng thêm nhiều nhà dưỡng lão, tạo dựng một xã hội mà lực lượng lao động trẻ không bị chi phối quá nhiều để chăm sóc người già.
Và chắc chắn rằng Thủ tướng Abe vẫn có thể sẽ với những cách thức đã làm với những thành viên Nội các trước, nhưng sẽ hướng việc thực hiện theo mục đích mà chính sách ông đã đưa ra trước đó. Các thành viên Nội các sẽ thực hiện những chính sách vì nhân dân chứ không phải vì ông Abe. Đây là bước tính toán đầy thông minh của ông Abe, khiến cho Nội các phải tuân thủ.
Cải tổ nội các có tăng uy tín cho ông Abe?
Lần cải tổ Nội các này diễn ra trong bối cảnh uy tín của ông Abe và chính phủ bị giảm sút, đặc biệt khi ông Abe vẫn kiên định lập trường thúc đẩy Dự luật an ninh mới và vấp phải sự phản đối của nhiều đảng phái đối lập và một bộ phận dân chúng, mặc dù dự luật đã được thông qua.
Trong nhiều tháng nay, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ Thủ tướng Abe chỉ ở mức dưới 40% và liên tục giảm trong 3 tháng trở lại đây. Trong khoảng thời gian trước và sau Hạ viện thông qua Dự luật an ninh, rồi đến Thượng viện thông qua, các cuộc biểu tình phản đối vẫn thường xuyên diễn ra tại Tokyo và một số địa phương khác trên toàn Nhật Bản. Đa số người già-dân số chiếm phần đông đã phản đối dự luật này, bởi họ cho rằng đây thực chất là “Dự luật của chiến tranh” chứ không phải như ông Abe đã từng giải thích.
Bộ trưởng thương mại các nước tham gia đàm phán hiệp định TPP tại Atlanta, Mỹ. (ảnh: Reuters) |
Nhưng qua việc dự luật an ninh được thông qua tại Thượng viện, khẳng định một điều rằng ông Abe thực sự quyết đoán và mạnh mẽ. Chính việc làm của ông là thông điệp chứ không phải lời phát biểu nào. Uy tín của ông Abe tuy giảm, nhưng rồi dư luận cũng sẽ phải lắng xuống, và ông Abe đã đạt được mục đích của mình là tiếp tục tăng cường củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, cùng với Mỹ có thể “động chạm” tới nhiều vấn đề của khu vực và thế giới.
Đặc biệt thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thực sự cũng được coi là thắng lợi quan trọng của Mỹ và Nhật trong bối cảnh hiện tại. Thủ tướng Abe đang kỳ vọng rằng với thành công này, vốn được xem là một công cụ chủ lực của Abenomics, sẽ nhanh chóng giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Để thực hiện ý nguyện của mình, ông Abe cần thiết phải xây dựng một Nội các năng động và trẻ hơn. Bộ trưởng Quốc phòng vẫn tại nhiệm, và có lẽ Nhật Bản sẽ có hành động quyết liệt hơn với những vấn đề quốc tế mà Nhật coi có ảnh hưởng.
Có ý kiến cho rằng, bước đi cải tổ lần này là động thái chuẩn bị cho kỳ bầu cử Thượng viện vào mùa Hè năm 2016 của Thủ tướng Abe, để có thể thuận lợi tiến hành những sửa đổi Hiến pháp theo dự định.
Nhưng đây không phải là lần đầu ông Abe thay đổi Hiến pháp. Do vậy, mỗi bước đi và quyết sách của ông Abe đều có tính toán, khiến việc bầu cử Thượng viện năm 2016 tới sẽ không quá khó đối với ông Abe. Theo đó, có thể ông sẽ tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với chính sách cũng như đòi hỏi môi trường quốc tế mà Nhật đang theo đuổi.
Với những thành phần nội các mới có tới 10 Bộ trưởng được thay thế, trong đó tập trung nhiều vào việc cải cách xã hội như hỗ trợ giáo dục, bớt gánh nặng phúc lợi người già, xây dựng nhiều trung tâm dưỡng lão cho người già, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, chắc chắn Nội các mới, quan trọng hơn là những chính sách mới hy vọng sẽ mang lại sự hài lòng cho người dân Nhật Bản. Và chính sự hài lòng này sẽ là chìa khóa để ông Abe và Nội các của ông tiếp tục những cải cách mới vì người dân./.