TheoWashington Postđộng thái này của Mỹ cho thấy, Mỹ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc cố tình làm leo thang căng thẳng trong khu vực cũng như không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu khắp Biển Đông.

Đảm bảo quyền tự do hàng hải

Người phát ngôn Hải quân Mỹ, William Marks cho biết, dù chưa có kế hoạch cụ thể về việc điều tàu đến các đảo nói trên, Hải quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục đi lại trong vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông theo đúng quy định quốc tế về hàng hải.

hai_quan_my_ghnq.jpg
Các tàu Hải quân Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương sẵn sàng đến Biển Đông bất kỳ lúc nào. Ảnh minh họa Bộ Quốc phòng Mỹ

Trước đó ngày 6/10, Đô đốc Scott Swift, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh, Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải thông qua việc “hiện diện thường xuyên và tiến hành các cuôc tập trận với các đồng minh và đối tác”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Bill Urban cho biết, Mỹ vẫn đang hiện diện và hoạt động tích cực ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Urban tuyên bố, dù không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ vẫn không thể “công nhận những yêu sách chủ quyền quá đáng” và  “vượt quá cả những gì quy định trong luật pháp quốc tế”.

“Mỹ có quyền lợi của mình trong việc đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc về tự do hàng hải, hàng không cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Mỹ phản đối việc ngăn cản tự do giao thương và luôn mong muốn tìm ra một giải pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và trên toàn cầu một cách hòa bình”, ông Urban nói.

Không phải để đối đầu với Trung Quốc

Giới chức Mỹ cho biết, việc đưa các tàu của Mỹ đến khu vực sẽ phải được Nhà Trắng chấp thuận. Một quan chức Mỹ cũng khẳng định, nhiều khả năng Tổng thống Obama sẽ phê chuẩn việc này và Hải quân Mỹ sẵn sàng làm theo lệnh của Tổng thống.

Các quan chức Quốc phòng Mỹ cho biết, theo kế hoạch, Hải quân Mỹ sẽ điều một khu trục hạm hoặc một tàu tuần dương có khả năng mang theo trực thăng và nhiều loại vũ khí khác hoặc cũng có thể là một tàu chiến được trang bị vũ khí hạng nhẹ tiến gần các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ khẳng định, mục tiêu của việc này không phải là nhằm đối đầu với Trung Quốc.

“Mục đích của việc này chỉ để cho Trung Quốc thấy rõ, các tàu của Mỹ đang đi qua hải phận quốc tế. Dù đó là một khu trục hạm với đầy đủ các loại tên lửa hay chỉ là một tàu chiến được trang bị gọn nhẹ hơn thì mục đích cũng không phải là để phô trương thanh thế của Hải quân Mỹ”, quan chức này tuyên bố.

Hình vệ tinh cho thấy một loạt các công trình mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trên bãi Chữ Thập ở Biển Đông. Ảnh AP

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh, Trung Quốc “cực kỳ quan ngại về động thái này của Mỹ”.

Bà Hoa khẳng định, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có những cuộc trao đổi cụ thể vế vấn đề này khi Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình sang Mỹ hồi cuối tháng 9 vừa qua và Washington đã hiểu rõ quan điểm của Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng rằng, Mỹ sẽ nhìn nhận quan điểm của Trung Quốc một cách khách quan và cả hai nước có thể cùng hợp tác trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh ở Biển Đông và Mỹ có thể đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này”, bà Hoa nêu rõ.

Những diễn biến căng thẳng gần đây

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng 9 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các đảo ở Biển Đông. Để đáp lại, ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo này.

Tổng thống Mỹ Obama (trái) và ông Tập Cận Bình đối thoại riêng ttrong chuyến công du sang Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc hồi cuối tháng 9. Ảnh Reuters

Tuy nhiên, các nhà phân tích và quan chức Mỹ đề cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng nhiều hạ tầng quân sự tại đây, trong đó đáng chú ý nhất là các sân bay có thể phục vụ cho mục đích quân sự.

Trước đó, ngày 17/9, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy các lực lượng quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương đã tuyên bố, việc Trung Quốc xây dựng các công trình trái phép trên các đảo nói trên là “mối đe dọa lớn cho khu vực”.

Cùng chung quan điểm với ông Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định, các tàu và máy bay Mỹ sẽ “đi lại trên bất kỳ hải phận và không phận nào mà luật pháp quốc tế cho phép ở Biển Đông như Mỹ đã và đang làm trên khắp thế giới”./.