Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chúc mừng cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnsontrở thành lãnh đạo của Đảng Bảo thủ và đảm nhiệm vị trí tân Thủ tướng Anh, ca ngợi nhân vật mà ông gọi là “Trump của nước Anh”.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters. |
Còn nhớ, ông Trump từng coi ông Johnson như một người bạn và cho rằng cựu Ngoại trưởng này xứng đáng trở thành Thủ tướng tương lai của Anh ngay khi bà Theresa May còn đang tại nhiệm. Hai bên cũng đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng làm việc với nhau nếu ông Johnson chiến thắng trong cuộc bầu cử Thủ tướng Anh.
Những lời nhận xét của ông chủ Nhà Trắng cho thấy ông và tân Thủ tướng Anh đã phần nào thu hẹp được những bất đồng, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay. “Chúng tôi thấy một con người thực sự tốt trở thành Thủ tướng của nước Anh. Boris Johnson, một người cứng rắn và thông minh. Họ gọi ông là “Trump của nước Anh”, Tổng thống Trump phát biểu tại một sự kiện ở Washington.
Nhiều ý kiến cho rằng, có vẻ như nhà lãnh đạo Mỹ đã bỏ qua việc ông Johnson từng công khai chỉ trích ông trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Trong một phát biểu khi còn là Thị trưởng London, ông Johnson từng nói: Lý do duy nhất tôi sẽ không đến thăm một số khu vực ở New York là e sợ sẽ gặp Donald Trump”.
Trump – nhân tố ảnh hưởng đến nền chính trị nước Anh
Có thể nói, những sự kiện xoay quanh Tổng thống Trump được nhắc đến khá nhiều trong các cuộc tranh luận suốt quá trình tìm nhà lãnh đạo mới cho đảng Bảo thủ. Dù trước đó từng chỉ trích Tổng thống Trump, nhưng lần này ông Johnson lại cố gắng hết sức để tránh công kích nhà lãnh đạo Mỹ trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, thay vì đó là đưa những tuyên bố có xu hướng ủng hộ.
Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, cựu Ngoại trưởng Anh đã từ chối xác nhận rằng ông sẽ tiếp tục giữ Đại sứ Anh tại MỹKim Darroch – người liên quan đến các tài liệu bị rò rỉ thời gian gần đây với nội dung tiêu cực về chính quyền Tổng thống Trump, được tại nhiệm. Trong tài liệu bị rò rỉ, ông Kim Darroch mô tả chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là "không có kĩ năng" và "bất tài", gây ra phản ứng tức giận từ Tổng thống Mỹ.
Tiếp đến, ông Jonhson cũng nhắc đến cuộc tranh cãi khác liên quan đến ông Trump, đó là dòng Tweet của nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng 4 nữ nghị sỹ da màu của Đảng Dân chủ nên “quay trở về quê hương”. Song, ứng viên Thủ tướng đảng Bảo thủ đã bị những lời chỉ trích khi từ chối đánh giá liệu dòng Tweet của Tổng thống Trump có phải là phân biệt chủng tộc hay không.
Ông Boris Johnson đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với Tổng thống Trump và nhận được sự ủng hộ từ nhà lãnh đạo Mỹ về lập trường cứng rắn trong vấn đề Brexit. Cả hai đều chỉ trích cách tiếp cận của bà Theresa May. Cựu Ngoại trưởng Anh đã đề cập một kịch bản Anh rời EU mà không cần có thỏa thuận về Brexit, đồng thời cho biết ông có thể kiện EU. Trả lời phỏng vấn CNN hôm qua (23/7), cha của tân Thủ tướng Anh, ông Stanley Johnson nói rằng, ông nghĩ Boris Johnson sẽ hòa hợp với Tổng thống Trump, nhưng đây sẽ không phải là mối quan hệ phụ thuộc. “Cả hai đều có cùng kiểu tóc. Tôi nghĩ họ sẽ hòa hợp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cẩn thận để không quá thiên về Mỹ. Mặt khác việc xây dựng cầu nối với Châu Âu hậu Brexit cũng sẽ rất quan trọng”.
Điểm tương đồng giữa Trump và Boris Johnson
Trang NPR cho rằng, giống như ông Trump, tân Thủ tướng Anh là người theo chủ nghĩa dân túy, đề cao việc kiểm soát nhập cư và khôi phục vị thế của đất nước trong các vấn đề quan trọng trên thế giới.
Cách hai nhà lãnh đạo này dẫn dắt đất nước nói lên rất nhiều về các lực lượng chính trị đang áp đảo ở phương Tây trong những năm gần đây. Trước đó vào năm 2016, cả Anh và Mỹ đều phải đón nhận các “cơn địa chấn” về chính trị. Những nhóm cử tri chủ chốt ở hai quốc gia dường như thất vọng với nền chính trị truyền thống, không hài lòng với ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và lo ngại những người nước ngoài sẽ thay đổi các cộng đồng của họ.
Ông Trump và ông Johnson đã trấn an những lo ngại này. Trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Trump cam kết xây dựng một bức tường dọc biên giới Mexico để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp. Tại Anh, ông Johnson giúp thúc đẩy chiến dịch Brexit, cam kết giành lại quyền kiểm soát biên giới đất nước bằng cách ủng hộ Anh rời khỏi EU – một liên minh kinh tế, chính trị cho phép người dân và hàng hóa di chuyển tự do trong 28 nước thành viên. Những người ủng hộ Brexit lo sợ rằng, một khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU thì nước này sẽ trở thành cửa ngõ để người tị nạn Syria tràn vào Anh.
Không chỉ vậy, cả ông Johnson và ông Trump đều hứa sẽ đưa đất nước trở lại thời kỳ hoàng kim như trước kia. Ông chủ Nhà Trắng nói một cách tự hào về “những ngày xưa” khi Detroit thống lĩnh ngành công nghiệp ô tô, khi hầu hết người dân đều hát bài “Merry Christmas” trong dịp lễ. Còn những người ủng hộ Brexit coi “ngày xưa tốt đẹp” là kỷ nguyên của Thế chiến 2, khi Anh chống lại Đức Quốc xã, hay thậm chí sớm hơn thế. Ông Johnson mô tả Brexit là cơ hội để nước Anh có được một tương lai độc lập, không bị xáo trộn do ảnh hưởng của EU.
Tiến trình Brexit còn nhiều khó khăn. Ảnh: Reuters. |
Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo đều muốn tìm cách thay đổi đất nước của họ, công kích và nhắm mục tiêu vào những thế lực mà họ cho là “kẻ thù của sự thay đổi”. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống Trump cam kết đưa đất nước “thoát khỏi đầm lầy” ám chỉ những người vận động hành lang ở Washington. Tương tự, Boris Johnson đã chĩa mũi nhọn vào các quan chức Châu Âu tại Brussels, những người mà ông từng chỉ trích khi làm việc cho tờ Telegraph vào những năm 1990. Ông cũng kịch liệt công kích EU: “Không phải chúng tôi thay đổi mà chính là EU đã thay đổi. Để nói rằng EU là một khối kinh tế thống nhất giống như việc nói về một băng đảng mafia ở Italy chỉ quan tâm đến dầu oliu và bất động sản”.
Khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo
Với việc cựu Ngoại trưởng Boris Johnson trở thành tân Thủ tướng Anh, Tổng thống Trump hy vọng có thể tìm kiếm thêm một đồng minh, song thực tế giữa hai bên vẫn còn nhiều khác biệt.
Ông Donald Trump dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện một thỏa thuận thương mại tự do tiềm năng với Anh để khuyến khích ông Johnson đưa nước Anh rời khỏi EU trước hạn chót là 31/10. Nhưng xét trong bối cảnh nền chính trị Anh còn nhiều phức tạp liên quan đến tiến trình Brexit, ông Johnson sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu của nhà lãnh đạo Mỹ.
Hơn thế nữa, trong thời gian tới, tân Thủ tướng Anh sẽ phải tập trung nhiều vào công việc nội bộ, hơn là những vấn đề trọng tâm giữa Anh và Mỹ. Ông Wendy R. Sherman, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Obama nhận xét rằng: “Ông Trump và ông Johnson có thể thiết lập xu hướng mới về kiểu tóc nhưng khó tạo dựng được quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia”.
Theo giới phân tích, ông Johnson có xu hướng hành động theo chủ nghĩa truyền thống hơn ông Trump, bởi ông từng được đào tạo tại trường Eton và Đại học Oxford, từng là thành viên của Nghị viện và là cựu Thị trưởng London. Vai trò của ông với tư cách là Ngoại trưởng từ năm 2016 đến 2018 đã tạo ra một số thay đổi nhất định nhưng vẫn không phá vỡ triệt để các chính sách truyền thống.
Xét về chính sách đối ngoại, thì ông Boris Johnson vẫn ôn hòa hơn trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt với Iran và Trung Quốc. Dưới thời của Thủ tướng Theresa May, khi ông Johnson còn giữ chức Ngoại trưởng, Anh đã chỉ trích Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời phối hợp với các bên liên quan khác cứu vãn thỏa thuận này. Các quan chức Châu Âu cho biết, Anh vẫn phối hợp nhịp nhàng với EU trong vấn đề Iran, bất chấp căng thẳng leo thang liên quan đến việc Tehran bắt giữ tàu chở dầu của Anh. Tổng thống Trump có thể phát động chiến tranh với Iran, nhưng tân Thủ tướng Boris Johnson chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của công chúng nếu cố gắng triển khai quân song hành với Mỹ.
Liên quan đến Trung Quốc, cả ông Johnson và các quan chức khác của Anh đều lo sợ một sự đổ vỡ trong quan hệ với Bắc Kinh – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhà chức trách Anh đã sử dụng giọng điệu mềm mỏng hơn giọng điệu đầy thách thức mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức khác trong chính quyền Tổng thống Trump sử dụng khi nói về sự cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc. Thêm vào đó, ông Johnson cũng chưa đưa ra tuyên bố nào về việc cấm Huawei hoạt động tại Anh.
Khi hạn chót của Brexit đang đến gần thì tân Thủ tướng Boris Johnson chắc chắn sẽ phải gác lại những vấn đề nói trên. Điều đó có thể tạo ra mâu thuẫn với chính quyền Tổng thống Trump. Ông Leslie Vinjamuri, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh nhận định: “Không có gì đảm bảo mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp. Dù hai bên đánh giá cao thiện chí của nhau, nhưng một khi đã động chạm đến những vấn đề nghiêm trọng hơn thì rất khó đoán trước điều gì sẽ diễn ra”.
Ông Trump bước vào cuộc bầu cử năm 2020 với một nền kinh tế phát triển mạnh và một đảng Dân chủ bị chia rẽ. Còn nhiệm vụ của ông Johnson khi trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing là gỡ nút thắt Brexit – thách thức đã làm tê liệt nền chính trị Anh suốt 3 năm qua. Tổng thống Trump và tân Thủ tướng Boris Johnson có thể lãnh đạo đất nước của họ trong bao lâu là một câu hỏi khác. Nhưng bất kể con đường chính trị của hai nhà lãnh đạo này như thế nào thì vẫn có những kỳ vọng về sự hợp tác tốt đẹp giữa Anh và Mỹ thời hậu Brexit./.