Cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng Anhđã kết thúc ngày 22/7. Người chiến thắng sẽ chính thức trở thành Thủ tướng Anh vào chiều 24/7, sau khi bà Theresa May rời khỏi văn phòng. Ông Johnson và đối thủ của mình - đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt, đã dành cả tháng 6 để vận động gần 200.000 thành viên Đảng Bảo thủ trên khắp Vương quốc Anh. Để trở thành chủ nhân của ngôi nhà số 10 phố Downing, ông Boris Johnson đã vượt qua không ít khó khăn, thử thách.

johnson_bogc.jpg
Boris Johnson thời niên thiếu. Ảnh: The Guardian.

Thời niên thiếu

Boris Johnson được sinh ra tại thành phố New York, Mỹ vào ngày 19/6/1964 và được gọi bằng tên thân mật trong gia đình là Al. Trong 14 năm tiếp theo cậu chuyển nhà tới 32 lần trên khắp hai châu lục do công việc của cha cậu Stanley. Khi lên 8 tuổi, Boris bị khiếm thính nghiêm trọng do bệnh viêm tai và là một đứa trẻ rất vâng lời. Mẹ cậu, bà Charlotte đã khuyến khích con trai mình theo thiên hướng nghệ thuật nhưng cha cậu lại có khuynh hướng tạo cho con cái tính cạnh tranh. Việc đặt chiến thắng lên hàng đầu đã dẫn dắt người thiếu niên trẻ ôm tham vọng trở thành “vua của thế giới”.

Thời gian sau đó, nhiều căng thẳng đã nảy sinh giữa cha và mẹ cậu. Do không chịu được tính cách của chồng mình, bà Charlotte đã chịu đựng một cú sốc nghiêm trọng khi gia đình chuyển tới Brussels. Anh em nhà Johnson đã phải học cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân trong quãng thời gian bà Charlotte ở trong bệnh viện.

Al và Rachel – hai người con lớn nhất trong gia đình được gửi tới một trường dự bị ở Anh. Những người bạn của gia đình Johnson nhớ lại rằng, vào thời điểm đó Al thường bị chỉ trích vì có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ và vì cậu từng sống tại Brussels. Để tự bảo vệ mình, Al đã bắt đầu hình thành một tính cách lập dị - một nhân vật trông có vẻ vụng về bên trong bộ quần áo bẩn thỉu, nhưng trong đó ẩn chứa một trí tuệ tinh tường. Đến khi theo học tại trường Eton, ngoại hình của Al ngày càng trở khác biệt hơn – một sự thay đổi để phù hợp với tên gọi Boris cá tính hơn. Al là một học sinh gây ấn tượng nhưng cũng đôi khi khiến các giáo viên của cậu tức giận.

Ông Boris Johnson và Tổng thống Trump trong một cuộc gặp. Ảnh: Polictics Home.

Bắt đầu sự nghiệp trong ngành báo chí

Johnson theo học tại Oxford vào năm 1983. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1987, Johnson đã kết hôn với Allegra Mostyn-Owen – một phụ nữ xinh đẹp và giàu có.

Không lâu sau đó, Johnson bắt đầu sự nghiệp trong ngành báo chí và được sự hỗ trợ đáng kể từ gia đình, trong đó có mẹ đỡ đầu Rachel Billington. Johnson được đưa vào làm thực tập sinh cho tờ Thời báo London, nhưng cá tính của ông không gây được ấn tượng với chủ biên tập mới. Ông được giao làm những công việc cấp thấp, dưới khả năng của mình. Thất vọng vì không có được danh tiếng, Johnson bịa đặt một câu trích dẫn từ cha đỡ đầu của mình, nhà sử học Colin Lucas và cuối cùng bị sa thải.

Sau đó, ông được tờ Daily Telegraph thuê lại, trở thành trưởng đại diện tại Brussels của tờ Daily Telegraph phụ trách mảng Liên minh Châu Âu từ năm 1989 tới 1994. Kể từ đó ông bắt đẩu thúc đẩy phong trào báo chí chống lại Châu Âu. Một nhà phê bình cho biết, ông cố gắng “công kích Châu Âu mỗi khi có cơ hội” trong suốt thời gian làm phóng viên tại Brussels, khuấy động chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu. Những năm này cũng là thời điểm thăng hoa nhất trong sự nghiệp báo chí của ông. Ông nắm vị trí chủ bút của tờ Telegraph và tờ Spectator. Ông cũng viết nhiều cuốn sách, từ tiểu thuyết đến tiểu sử của Winston Churchill.

Nắm giữ chức thị trưởng

Johnson trở thành thành viên Nghị viện của đảng Bảo thủ vào năm 2001. Năm 2008, ông tham gia cuộc đua tranh chức thị trưởng London và giành chiến thắng trước Thị trưởng mãn nhiệm Ken Livingstone, thuộc Công đảng. Chiến thắng của Boris Johnson được coi là bước đột phá lớn với đảng Bảo thủ, vốn đã mất quyền lực tại Quốc hội trong hơn 1 thập kỷ tính đến thời điểm đó.

Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về hồ sơ của Johnson trên cương vị thị trưởng, song nhìn chung ông là một người tích cực thúc đẩy vai trò và vị thế của London. Ông đã tổ chức chương trình chia sẻ xe đạp tại London có tên gọi “Boris bikes”, quan tâm đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Đáng chú ý, Johnson đã chủ trì Thế vận hội London, theo nhận xét của tờ Guardian, ông đã chứng minh được “sức mạnh lớn nhất của mình với tư cách là thị trưởng, mang đến niềm vui và tâm trạng phấn khích cho mọi người”.

Boris Johnson đảm nhiệm vị trí Thị trưởng London trong hai nhiệm kỳ và ông từ chối tham gia tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 2016, khi tiến trình trưng cầu ý dân về Brexit đang diễn ra.

Boris Johnson thúc đẩy chiến dịch Brexit năm 2016. Ảnh: The Guardian.

Ủng hộ Brexit

Boris Johnson đã thúc đẩy chiến dịch rời bỏ Liên minh Châu Âu vào năm 2016 và công khai nói về sự rạn nứt trong quan hệ với Thủ tướng Anh Cameron, người ủng hộ chiến dịch ở lại EU. “Tôi sẽ ủng hộ cuộc bỏ phiếu rời EU bởi vì tôi muốn một thỏa thuận tốt hơn cho người dân Anh, để tiết kiệm tiền bạc của họ và để nước Anh có quyền kiểm soát”, ông nói vào thời điểm đó.

Sau khi phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng, đã có nhiều dự đoán rằng ông sẽ trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, khi nhà vận động chiến dịch rời EU  Michael Gove tuyên bố rằng ông Johnson không phù hợp với vai trò dẫn dắt đất nước trong suốt tiến trình Brexit, và thậm chí đặt câu hỏi về cam kết rời bỏ EU của ông, mọi hy vọng của Johnson đã tan biến. Cuối cùng người được lựa chọn là bà Theresa May.

Cú hích cuối cùng

Trong tột cùng của sự bất ngờ, ông Boris Johnson đã được Thủ tướng Theresa May bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh ngày 13/7/2016 , bất chấp tồn tại những mâu thuẫn giữa họ. Việc bổ nhiệm ông Johnson đã bị một số nhà báo và chính trị gia nước ngoài chỉ trích vì ông có một số câu nói gây tranh cãi về các quốc gia khác. Ông Boris Johnson đã từ chức vào năm 2018 để phản đối thỏa thuận giữa Thủ tướng May với EU.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần khen ngợi ông Boris Johnson, cho ông là ứng viên tốt nhất để trở thành Thủ tướng của nước Anh. Nếu ông Johnson đảm nhận vị trí chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing thì thế giới sẽ chứng kiến hai nhà lãnh đạo có cùng những điểm tương đồng, không chỉ riêng màu tóc./.