Tuyên bố đầu năm của Tổng thống Pháp Francois Hollande về việc phương Tây cần sớm gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, là một bước đi có nhiều chủ đích.
Tổng thống Pháp là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của phương Tây đề cập đến chuyện này giữa lúc quan hệ phương Tây-Nga hầu như không có dấu hiệu gì là đã cải thiện trong thời gian qua. Thực tế, đó không hẳn là điều quá bất ngờ nếu biết rằng hôm 8/12, bằng chuyến dừng chân chớp nhoáng tại sân bay Moscow trong vài tiếng đồng hồ trên đường từ Kazakhstan về Pháp và hội đàm với ông Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đặt chân đến Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ Nga-phương Tây trở nên tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Bằng tuyên bố “chấm dứt trừng phạt Nga”, ông Hollande và nước Pháp đang bắn đi một mũi tên với nhiều đích đến.
Diễn vai chính
Trước khi nổ ra khủng hoảng Ukraine, nước Đức là đối tác quan trọng nhất với Nga tại châu Âu. Tổng thống Nga Putin có sự ngưỡng mộ cá nhân đặc biệt với nước Đức và duy trì một quan hệ mật thiết với nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel. Khi quan hệ hai bên căng thẳng, nước Đức và cá nhân bà Merkel luôn là cầu nối, là nhà đối thoại chính giữa phương Tây và Nga.
Vai trò đặc biệt đó làm nổi bật vị thế của nước Đức như là một cường quốc không chỉ là số 1 về kinh tế ở châu Âu mà ngày càng lớn mạnh về chính trị, an ninh. Đó là điều Paris không hề mong muốn bởi lẽ nhiều năm nay, Pháp luôn muốn khẳng định rằng mình mới là nhân tố có trọng lượng nhất ở châu Âu về đối ngoại và quốc phòng.
Cơ hội để Paris đòi lại vai trò này từ Berlin xuất hiện khi, sau rất nhiều nỗ lực đối thoại bất thành, bà Angela Merkel ngày càng thể hiện thái độ cứng rắn hơn với ông Putin và nước Nga. Trong 3 tháng cuối năm 2014, bà Merkel là lãnh đạo châu Âu đăng đàn chỉ trích Nga và ông Putin mạnh nhất và quan hệ Nga-Đức tiến gần đến mức khó có thể hàn gắn.
Trong khi quan hệ Moscow-Berlin ngày một trở nên lạnh nhạt thì Paris giữ thái độ trung dung, không gay gắt với Nga và tìm cách tiếp cận trực tiếp để đảm nhận vai trò hòa giải.
Thời điểm quan trọng đã đến vào ngày 6/12 khi ông Hollande, qua vai trò trung gian của Tổng thống Kazakhstan, Nazarbayev, đã chấp nhận dừng chân ở Moscow và hội đàm với ông Putin ngay tại sân bay. Chủ đề chính của 2 giờ hội đàm không có gì khác ngoài tình hình Ukraine.
Ngay sau cuộc gặp được coi là “lịch sử”, cả ông Hollande lẫn ông Putin đều tuyên bố lạc quan về việc tìm ra các giải pháp. Đến ngày 31/12, ông Putin gửi điện chúc mừng năm mới và ca ngợi vai trò cá nhân của ông Hollande. Ngày 5/1, ông Hollande đề xuất gỡ bỏ trừng phạt Nga.
Dù chỉ là một đề xuất khó có khả năng thực thi ngay vào thời điểm này nhưng sự mạnh dạn hơn của ông Hollande cho thấy, Paris thực sự muốn đóng vai trò then chốt trong ván bài địa chính trị ở châu Âu. Họ không muốn để mặc cuộc chơi của châu Âu trong tay Berlin.
Mistral và ván bài kinh tế
Cho đến thời điểm này, trong bối cảnh Nga và phương Tây đối đầu, vướng mắc lớn nhất trong quan hệ Pháp-Nga là việc chuyển giao hai tàu chiến Mistral mà Nga đặt hàng Pháp đóng và theo lịch đã phải giao hồi cuối năm 2014.
Tuy nhiên, vấn đề Mistral không đóng vai trò quá lớn như nhiều người lầm tưởng. Thứ nhất, giá trị hợp đồng đóng 2 tàu chiến này là trên 1 tỷ euro, một con số không nhỏ nhưng cũng không quá lớn đối với một nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới như nước Pháp. Thứ hai, quan trọng nhất, là hậu quả của việc không chuyển giao cũng hoàn toàn nằm trong kiểm soát. Cho đến lúc này, dù Pháp chưa giao tàu như hợp đồng nhưng Nga chưa từng tuyên bố sẽ kiện Pháp phải bồi thường.
Tổng thống Nga Putin không dưới một lần khẳng định, trong trường hợp Pháp không giao tàu Mistral, Nga “hy vọng sẽ nhận lại khoản tiền mà họ đã trả trước cho Pháp”.
Ở phía bên kia, Pháp cũng chưa từng khẳng định sẽ không giao Mistral cho Nga mà chỉ tuyên bố “đây chưa phải là thời điểm thích hợp”. Mistral, vì thế, là một thương vụ nhạy cảm về chính trị hơn là một nguy cơ thực sự về kinh tế.
Những thương vụ đổ bể khác trong thầm lặng mới thực sự là điều đáng nói. Pháp và phương Tây chấp nhận thiệt hại để gây sức ép với Nga nhưng sẽ không được lợi gì nếu dồn Nga đến sự đổ vỡ về kinh tế bởi khi đó châu Âu sẽ là một khu vực bất ổn an ninh, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế mà khu vực này đang phải vật lộn suốt 6 năm qua. Nga trước sau vẫn là một đối tác kinh tế, năng lượng hàng đầu mà châu Âu khó có thể bỏ qua nếu muốn vực dậy nền kinh tế của chính mình, điều mà ngày càng nhiều nhà quan sát ở châu Âu nhận thấy.
Nói như xã luận trên tờ Le Monde của Pháp thì “nước Nga không phải là kẻ thù của chúng ta”.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, tiếng nói của châu Âu, đặc biệt là Pháp, luôn ôn hòa hơn Mỹ. Châu Âu cần Mỹ như một đối tác an ninh, kinh tế quan trọng nhất nhưng luôn có xu hướng thể hiện mình như một nhân tố đối ngoại độc lập. Trong cuộc chiến Iraq, Pháp và Đức từng phản đối Mỹ mạnh mẽ còn trong các chiến dịch chống IS hiện nay, Pháp cũng đòi quyền tự do hành động mà không phải thông qua Mỹ.
Những gì ông Hollande đang thể hiện, chỉ là sự tiếp nối của ý muốn đó./.