Sau cuộc bầu cử vừa qua của Israel, liên minh 8 đảng đã giành được thế đa số. Liên minh này gồm đảng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu Yamnia, đảng dân chủ xã hội Lao động, và đảng cánh tả Meretz. Lần đầu tiên trong lịch sử Israel, một đảng gốc Arab - Ra’am, cũng tham gia liên minh, giúp liên minh đạt được đa số nhờ vào 4 ghế của đảng này trong quốc hội Israel.
Một điểm lạ nữa của tân chính phủ Israel (kết quả của thỏa thuận chia sẻ quyền lực đạt được vào ngày 30/5/2021) là sẽ có 2 thủ tướng lần lượt đảm nhiệm chức vụ trong nửa đầu và nửa sau của nhiệm kỳ. Nửa đầu, thủ lĩnh đảng Yamina - Naftali Bennett sẽ làm thủ tướng, kế tiếp trong nửa sau là thủ lĩnh đảng trung dung Yesh Atid - Ya’ir Lapid.
Trong trường hợp chính quyền mới này vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội Israel trong tuần tới thì số phận của Palestine sẽ ra sao?
Không có xung lực mới cho giải pháp 2 nhà nước
Giới quan sát nhận định liên minh cầm quyền mới của Israel sẽ gần như chắc chắn không thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Israel và Cơ cấu Quyền lực Dân tộc Palestine (
Bennett, dự kiến ngồi vào ghế thủ tướng Israel trong thời gian ngắn sắp tới, về một số phương diện còn thiên hữu hơn cả đương kim Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Ông Netanyahu ít nhiều còn nói về giải pháp 2 nhà nước dù trên thực tế ông không có hành động cụ thể để đạt được điều này. Trái lại, Bennett đã lưu tên tuổi trong nền chính trị Israel thông qua việc ủng hộ phong trào định cư Do Thái ở Bờ Tây. Ông này cũng bác bỏ giải pháp một nhà nước Palestine độc lập và kêu gọi Israel sáp nhập các khu định cư.
Tất nhiên Bennett có lẽ đang kiềm chế các động thái như trên do chúng có thể khiến đảng cánh tả Meretz và đảng Arab Ra’am rời bỏ liên minh. Do vậy, tân chính quyền Israel dự kiến trước mắt sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước, chủ yếu là xây dựng lại nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Bên cạnh xu hướng chính trị của Bennett và sự hợp tác của đảng Ra’am với phe Do Thái, bản thân phong trào Palestine đang bị chia rẽ giữa phái Fatah (thống trị ở Bờ Tây) và phái Hamas (quản lý Gaza từ năm 2007). Giới chính trị gia Israel do vậy thường xuyên tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán nhưng “không có đối tác để đàm phán hòa bình”.
Bất chấp việc phải thành lập chính phủ liên minh, Israel vẫn thoải mái với tình hình hiện nay. Israel không chịu áp lực phải nhượng bộ Palestine. Và khi nổ ra xung đột với phái Hamas, Israel đã triển khai sức mạnh áp đảo của mình để trấn áp đối phương trong chiến dịch “cắt cỏ” như cách nói của giới quân sự Israel.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dù kêu gọi đàm phán về giải pháp 2 nhà nước thì ông vẫn nói rõ rằng ông muốn thoát khỏi Trung Đông để ông rảnh tay tập trung vào các vấn đề đối ngoại như là Trung Quốc.
Hiện chủ yếu còn hai sự lựa chọn thay thế dành cho người Palestine: Duy trì hiện trạng (với xung đột liên miên trong tương lai) và giải pháp một nhà nước.
Giải pháp một nhà nước
Giải pháp này sẽ sáp nhập Israel, Bờ Tây, và Dải Gaza thành một nước. Ý tưởng này bắt đầu trỗi dậy trong chính cộng đồng người Palestine khi các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây mở rộng sau cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967 và có được vị thế lâu dài.
Giải pháp này mất sự ủng hộ khi Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat ký Hiệp ước hòa bình Oslo vào năm 1993. Thỏa thuận này đã cung cấp một bộ khung cho đàm phán hướng tới một giải pháp 2 nhà nước. Nhưng các cuộc thương lượng này chưa đi tới đâu.
Mà giải pháp một nhà nước cũng không hoàn hảo. Trước tiên, nó đòi hỏi người Palestine phải từ bỏ các yêu sách về một nhà nước độc lập. Họ sẽ phải thừa nhận rằng hoạt động sáp nhập từng bước của Israel ở Bờ Tây khiến cho mục tiêu một nhà nước thứ 2 ở vùng Palestine lịch sử là bất khả thi. Họ sẽ phải chấp nhận mình là một phần trong một nhà nước do chính quyền Israel kiểm soát.
Vứt bỏ ý tưởng 2 nhà nước sẽ trái với quyền tự quyết mà các thế hệ dân tộc chủ nghĩa Palestine đã yêu cầu và đấu tranh để đạt được. Nhiều khả năng cả phái Fatah lẫn phái Hamas sẽ bác bỏ ý tưởng này, bởi lẽ nếu theo ý tưởng này thì họ sẽ mất quyền lực ở những khu vực mà họ kiểm soát trên danh nghĩa.
Ngoài ra bản thân bất cứ chính phủ Israel nào cũng có khả năng bác bỏ một đề xuất như vậy. Vì chấp nhận điều này là phá hoại lý tưởng Phục quốc (Zion) – động lực cho việc thành lập nhà nước Israel.
Trong trường hợp giải pháp một nhà nước được thực thi, người Palestine có thể yêu cầu quyền công dân bình đẳng, được trao tất cả các quyền dân sự mà hiện nay họ không có. Còn đối với Israel, giải pháp này có thể mang lại con đường dẫn tới một nền hòa bình thực sự, mặc dù sẽ đòi hỏi những nhượng bộ lớn đối với hệ tư tưởng nền tảng của họ.
Người dân Palestine bình thường có thể khởi động một phong trào cơ sở để thúc đẩy giải pháp một nhà nước nói trên. Việc này cần một ban lãnh đạo Palestine khôn ngoan cũng như sự ủng hộ từ những người Israel gốc Do Tháicó tư tưởng tự do.
Trong cộng đồng người Palestine, tư tưởng ủng hộ phương án một nhà nước đã gia tăng nhưng mới chỉ chiếm 1/3 những người sống ở Bờ Tây và Gaza, theo một cuộc thăm dò mới đây. Và chỉ có 10% người Israel gốc Do Thái ủng hộ một phương án như vậy, theo một cuộc thăm dò vào năm 2020.
Những người chỉ trích giải pháp 1 nhà nước nói rằng phương án này là không thực tế và rằng hai phe đã tích tụ quá nhiều hận thù đối với nhau. Nhưng đã đến giai đoạn hiện nay rồi thì người Palestine chẳng còn gì để mất. Họ trên thực tế đang sống trong một nhà nước vào lúc này, chỉ có điều người Palestine ở Israel có ít quyền hơn so với với người Israel, còn người Palestine ở vùng lãnh thổ chiếm đóng sống theo luật Israel thì không có tiếng nói gì./.