Nạn diệt chủng dân tộc Do Thái trong Thế chiến II (Holocaust) là một trong những thảm kịch khủng khiếp nhất của nhân loại. Trong thảm họa này, chế độ Đức Quốc xã đã giết chết 6 triệu người Do Thái, với mục đích xóa sổ toàn bộ dân tộc này.
Sau khi lên nắm quyền, phát xít Đức đã thực thi chính sách diệt chủng nhằm vào dân tộc Do Thái. Đây là một hành động có chủ đích, có kế hoạch chứ không phải là hành động ngẫu nhiên, cảm tính. Đức Quốc xã theo đuổi chính sách bài Do Thái từ đầu chí cuối.
Trước năm 1948, dân tộc Do Thái chưa có Tổ quốc của riêng mình mà sống lưu vong ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Do vậy họ ở vào thế yếu khi đối mặt với chủ nghĩa bài Do Thái nói chung và chính sách diệt chủng của Đức Quốc xã nói riêng.
Trước những đau khổ do phát xít Đức gây ra cho cộng đồng Do Thái cũng như để cảnh tỉnh thế giới về họa diệt chủng trong tương lai, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 27/1 hàng năm làm Ngày tưởng niệm Holocaust Quốc tế. Ngày 27/1 cũng chính là ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng trại tập trung khét tiếng Auschwitz của phát xít Đức trên đất Ba Lan bị chiếm đóng.
Nhân dịp này, vào ngày 27/1/2021 vừa qua, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức một lễ tưởng niệm các nạn nhân Do Thái trong Holocaust. Sự kiện tưởng niệm này có mục đích giúp người dân Việt Nam thêm hiểu biết về vụ Holocaust và đồng cảm với các nạn nhân diệt chủng.
Tội ác được “chuyên nghiệp hóa”
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết: “Hành động diệt chủng đó nhằm vào tất cả mọi người thuộc về dân tộc Do Thái, từ người già, phụ nữ cho đến trẻ em, cả người khỏe mạnh lẫn người ốm yếu, cả trí thức lẫn dân lao động, cả người giàu lẫn người nghèo. Án tử hình cho tất cả. Nếu bạn là người Do Thái, số phận của bạn khi đó chỉ là cái chết”.
Vẫn lời Đại sứ Eshcar: “Chiến dịch diệt chủng đó mang tính quốc gia, càng lúc càng hiện đại. Các kỹ sư Đức khi đó đã hoàn thiện các phương pháp cho phép giết nhiều người nhất trong thời gian ngắn nhất với chi phí thấp nhất có thể”.
>> Xem thêm: Bài học xương máu từ chế độ diệt chủng Pol Pot - Khmer Đỏ
Điều man rợ giữa thế kỷ 20
Đại sứ Israel Nadav Eshcar cho biết thêm: “Phát xít Đức gom người Do Thái ở khắp châu Âu lại, và chuyển họ tới các cơ sở tập trung để tiến hành thảm sát. Những người khỏe mạnh bị biến thành nô lệ phục vụ công nghiệp chiến tranh Đức, đa phần trong số họ về sau chết dần chết mòn vì đói, bệnh tật, kiệt sức, hoặc bị hành quyết vì các lỗi vặt vãnh như đánh mất mũ hoặc dậy không đúng giờ để đi đào đất... Những người còn lại thì bị đưa vào phòng khí ngạt và bị phun khí độc đến chết. Thi thể họ sau đó bị thiêu đốt, tro cốt được đóng thành thùng đem đi làm phân bón”.
Và chỉ trong thời gian ngắn trong Thế chiến II, 6 triệu người Do Thái (tức khoảng 1/3 dân tộc Do Thái khi đó) đã bị sát hại theo kiểu diệt chủng như thế này. Đại sứ Israel Eshcar nói: “Nếu Đức Quốc xã mà nắm thế thượng phong trong cả cuộc chiến tranh đó, chúng có thể đã hoàn thành mưu đồ diệt chủng đó trong một thời gian ngắn. Khi ấy, có lẽ chính tôi cũng không thể tồn tại để mà đứng đây nói chuyện với các quý vị”.
>> Xem thêm: Độc lập dân tộc của Việt Nam trước các nước lớn
Bài học thành lập quốc gia Israel cho người Do Thái
Đại sứ Israel Eshcar cho rằng người Do Thái đã rút ra được các bài học cho mình từ bi kịch nói trên. Ông nói, “chúng tôi hiểu rằng chúng tôi phải chủ động nắm lấy số phận của mình bằng chính bàn tay của mình, rồi thiết lập quốc gia có chủ quyền và tự do của riêng mình, đó là Nhà nước Israel”.
Năm 1948, chỉ 3 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, Nhà nước Israel đã ra đời với sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng Do Thái (đặc biệt là chính trị gia David Ben-Guiron) và sự giúp đỡ của một số nước, trong đó có Liên Xô.
Đại sứ Eshcar cảnh báo thảm kịch Holocaust vẫn có thể tái diễn và ông kêu gọi tất cả mọi người nêu cao tinh thần trách nhiệm và làm mọi thứ có thể để bảo đảm những điều tương tự không bao giờ tái diễn, với bất cứ ai.
Các đại biểu trong buổi lễ kỷ niệm này đã tiến hành nghi thức thắp nến tưởng niệm nạn nhân Holocaust – một truyền thống của người Do Thái ở Israel và trên khắp thế giới.
Tham dự buổi tưởng niệm này ngoài Đại sứ Israel còn có Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, Hiệu phó trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội Hoàng Anh Tuấn, các sinh viên của trường đại học này, và đặc biệt là Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner.
Một nét đáng trân quý của nước Đức hiện đại (khác biệt với chính quyền một số nước ở Tây Á và Đông Á) là họ không hề phủ nhận tội diệt chủng do chế độ Đức Quốc xã trước đây gây ra cho người dân ở các nước khác trên thế giới. Giới chức Đức hiện nay cũng đã xin lỗi các nạn nhân về các tội ác do phát xít Đức gây ra. Luật pháp Cộng hòa Liên bang Đức nghiêm cấm mọi hoạt động tuyên truyền, cổ xúy cho chủ nghĩa phát xít Đức./.