Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đến nay đã chiếm được phần lớn thị trấn Kobani thuộc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp các cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh nhằm ngăn chặn đà tiến quân của nhóm khủng bố này.
Trong khi đó, trước tình thế nguy nan, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung đường biên giới với Syria tiếp tục bị dư luận trong và ngoài nước chỉ trích là chỉ “khoanh tay đứng nhìn”.
Tuy nhiên, theo Đài quan sát nhân quyền Syria, nhóm IS vẫn tiến nhanh vào Kobani và kiểm soát hơn 1 phần 3 thị trấn này, bao gồm toàn bộ các khu vực phía Đông, một phần nhỏ ở khu vực phía Đông Bắc và một khu vực ở phía Đông Nam. Đến nay đã có hơn 180.000 người từ Kobani và các khu vực lân cận chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ và theo ước tính của Liên hợp quốc, hiện thị trấn này chỉ còn lại vài trăm người.
Trước tình hình này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, việc IS kiểm soát một phần Kobani sẽ không ngăn cản Mỹ và các đồng minh của mình thực hiện chiến lược dài hạn của họ trong khu vực. Ông Kerry nói: "Kobani là một thảm kịch bởi vì nó đại diện cho cái ác của nhóm Nhà nước Hồi giáo nhưng đó không làm thay đổi chiến lược hay các biện pháp của Mỹ trong việc đối phó với nhóm này. Nó chỉ là một thị trấn và rồi sẽ có những thị trấn khác xảy ra giao tranh với nhóm Nhà nước Hồi giáo trong vài tháng tới”.Mặc dù vậy, thực tế đã chứng minh các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh không mang lại kết quả như mong đợi bởi IS vẫn ngày càng tiến sâu vào Kobani. Kobani là thị trấn chiến lược của Syria, nằm giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến đẩy lùi IS khỏi Kobani là rất quan trọng.
Tuy nhiên, các lực lượng người Kurd bảo vệ Kobani cho biết, xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ được cử đến khu vực biên giới song “chỉ đứng nhìn mà không làm gì” để bảo vệ Kobani. Mặc dù chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từng hùng hồn tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn nguy cơ Kobani rơi vào tay nhóm khủng bố IS. Tuy nhiên, họ lại rất thận trọng trong hành động, bởi cho tới nay, mặc dù đã được Quốc hội cho phép, chính phủ nước này vẫn chưa có hành động can thiệp nào cụ thể.
Sự chậm trễ này của chính quyền Ankara đã gây ra làn sóng biểu tình ở các khu vực mà người Kurd sinh sống ở nước này. Người biểu tình cáo buộc chính phủ mặc dù đã triển khai xe tăng tới sát biên giới, song lại không làm gì để bảo vệ thị trấn. Bất chấp lệnh giới nghiêm được ban bố tại 6 tỉnh, hôm qua, người biểu tình, trong đó hầu hết là người Kurd tiếp tục đổ ra các đường phố ở tỉnh Cizre phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đốt cháy xe hơi và đụng độ với cảnh sát.
Theo kênh truyền hình CNN từ Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình người Kurd tại tỉnh Bingol miền Đông nước này đã khiến 2 nhân viên cảnh sát thiệt mạng và một người bị thương nặng, trong khi các cuộc đụng độ ở nhiều khu vực khác trong cả nước đã khiến 4 người biểu tình thiệt mạng. Theo giới phân tích, sự giận dữ của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ khi chính quyền của họ không làm gì để giúp những người Kurd anh em ở Syria có thể làm chệch hướng tiến trình hòa bình vốn đã mong manh ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm kết thúc cuộc đấu tranh kéo dài suốt 3 thập kỷ qua của Đảng Công nhân người Kurd.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan cho rằng người Kurd đang cố tình lợi dụng tình hình tại Kobani như một cái cớ để phá hoại tiến trình hòa bình.
Tuy nhiên, ông Salahattin Demirtas, đứng đầu Đảng Công nhân người Kurd, người đã kêu gọi người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường biểu tình hồi tuần trước, đã bác bỏ những cáo buộc về việc người Kurd kích động bạo lực: “Các cuộc biểu tình liên quan đến Kobani không nên bị can thiệp ở bất cứ nơi nào. Hiện tại, bạo lực giữa các bên cần phải chấm dứt. Tình hình thật nghiêm trọng và nguy hiểm nếu như xảy ra các hành động khiêu khích và thảm sát. Chỉ có một giải pháp duy nhất để ngăn chặn điều này, đó là hãy hành động bằng sự sáng suốt, lý trí và nhạy bén.”
Việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dậm chân tại chỗ trong cuộc chiến chống IS không chỉ khiến nước này phải chịu sức ép lớn từ dư luận trong nước mà còn gây ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa Ankara và các đồng minh quốc tế. Trong bối cảnh IS đã tấn công thị trấn biên giới Kobani của Syria, Anh cho biết nước này sẽ cùng các đồng minh gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS. Hiện các quan chức Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có mặt tại Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự cho liên minh quốc tế chống IS.
Iran hôm qua cũng cho biết đã bắt đầu cuộc thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục Ankara ngăn cản lực lượng thánh chiến IS chiếm Kobani, thị trấn then chốt ở vùng biên giới Syria. Tuy nhiên, theo một nguồn tin cấp cao từ chính quyền Ankara, nước này cực lực phản đối những cáo buộc về trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc tấn công của IS vào Kobani bởi chính Mỹ cùng các đồng minh phương Tây hay Arab cũng từng rất do dự trước khi tiến hành không kích IS ở Syria.
Viện dẫn lý do Mỹ loại trừ khả năng cử bộ binh tới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, thật không khả thi nếu như nước này đơn phương triển khai hoạt động tấn công qua biên giới nhằm giải phóng cho thị trấn người Kurd Kobani. Giới thức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng, họ không muốn Kobani rơi vào tay IS, song nước này sẽ không đảm nhận một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống IS cho đến khi liên minh của Mỹ vạch ra một chiến lược rộng lớn trong cuộc chiến này./.