Theo ABCNews, 5 năm sau khi Mỹ “tái khởi động” quan hệ với Nga, mối quan hệ của hai nước lại đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh.

Quá khứ thăng trầm

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất kỳ vọng vào sự cải thiện quan hệ với Nga khi ông gặp mặt lần đầu tiên với ông Putin, lúc đó còn là Thủ tướng Nga, vào tháng 7/2009.

Tổng thống Obama (trái) và Putin bất đồng sâu sắc về tình hình tại Ukraine (Ảnh AFP)

“Chúng tôi nghĩ rằng Mỹ và Nga đang có cơ hội tuyệt vời để thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước dựa trên một nền tẳng vững chắc hơn. Dù chúng tôi không hoàn toàn thống nhất trên mọi vấn đề. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi rất tôn trọng nhau và luôn tham vấn lẫn nhau vì lợi ích của cả người dân Mỹ và người dân Nga”, ông Obama nói.

3 năm sau khi ông Obama “mặt đối mặt” với ông Putin lần đầu tiên khi ông Putin quay lại nắm chức Tổng thống Nga, một điều dễ nhận ra từ cử chỉ của họ là mối quan hệ của họ trong tương lai sẽ có rất nhiều sóng gió.

Nổi bật nhất trong đó là cuộc gặp 2 giờ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Los Cabos, Mexico, khi cả hai nhà lãnh đạo chỉ tập trung vào việc thảo luận về tình hình khủng hoảng đang leo thang tại Syria. Cả hai Tổng thống đều rất gượng gạo khi được chụp ảnh và hầu như không nhìn thẳng vào mắt nhau.

Mặc dù ông Obama cố gắng để “thúc đẩy đối thoại”, nhưng sự căng thẳng giữa hai người là rất rõ rệt.

Dẫu vậy, Nhà Trắng từ lâu đã kêu gọi báo chí không nên cố đọc ngôn ngữ cơ thể của hai Tổng thống khi học gặp nhau.

“Tôi biết báo chí rất quan tâm đến ngôn ngữ cơ thể và ông Putin dường như đã hơi thả lỏng vai và có vẻ như đang cảm thấy nhàm chán khi đàm phán. Nhưng sự thực là khi chúng tôi trao đổi với nhau thì thường là các cuộc trao đổi này rất có hiệu quả”, Tổng thống Obama tuyên bố với báo giới vào năm ngoái.

Mặc dù vậy, gần đây ông Obama đã chỉ trích ông Putin và cho rằng ông này “cố tình” làm ra vẻ “là người cứng rắn”.

Lời chỉ trích trên được đưa ra chỉ chưa đầy 1 năm sau khi cả hai Tổng thống gặp nhau vào tháng 6/2013 tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Bắc Ireland khi cả hai ông có một bức ảnh chụp nhìn bớt gượng gạo hơn nhiều.

Tại thời điểm đó, ông Obama mô tả mối “quan hệ hợp tác và mang tính xây dựng” của họ đã giúp “đưa Nga và Mỹ ra khỏi suy nghĩ đối đầu từ thời Chiến tranh lạnh để có thể làm việc với nhau. Nga và Mỹ không chỉ tăng cường an ninh và thịnh vượng cho người dân của cả hai nước mà còn giúp mang lại những điều tốt đẹp hơn cho thế giới”.

Tuy nhiên, vào thời điểm họ va chạm với nhau vào tháng 9/2013, mối quan hệ của họ lại bị đẩy đến giới hạn cuối cùng. Tổng thống Obama đã hoãn một chuyến đi thăm Nga trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại St. Petersburg sau khi ông Putin để cho cựu nhân viên tình báo Edward Snowden được tỵ nạn tại Nga. Sau đó, cả hai ông còn tiếp tục bất đồng về những gì cần làm trong cuộc nội chiến tại Syria.

Lần này, cả hai ông đều không đối thoại chính thức tại Hội nghị mà chỉ bắt tay và dành ra 20 phút thảo luận bên lề phiên họp toàn thể. Ông Obama lần này mô tả cuộc đối thoại là “rất thẳng thắn”.

Hiện tại càng khó lường

Trong tuần này, cả hai nhà lãnh đạo đã tiến hành 2 cuộc điện đàm căng thẳng và kéo dài nhằm giải quyết tình hình tại Ukraine.

Trong cuộc đàm thoại kéo dài 1 tiếng ngày 6/3, Tổng thống Obama cảnh báo người đồng cấp Nga rằng việc Nga can thiệp vào bán đảo Crimea là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Obama ra lệnh cấm thị thực đối với những người Nga không chấp nhận chính quyền mới tại Ukraine đồng thời chuẩn bị các lệnh trừng phạt kinh tế đối với những người mà Mỹ cho rằng đã gây ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

“Quyết định trên thể hiện nổ lực của Mỹ nhằm buộc Nga và những người chịu trách nhiệm về tình hình tại Crimea phải trả giá. Tuy nhiên, quyết định của chúng tôi rất linh hoạt và phản ứng của chúng tôi sẽ hoàn toàn dựa trên những phản ứng của Nga”, ông Obama cho biết./.